Thế giới

Hội kín của giới siêu giàu: Có tài sản hơn 100 triệu USD cũng chưa chắc được nhận, đóng phí hàng trăm nghìn USD để hưởng những dịch vụ ‘đặc biệt’

Khi đã quá thừa tiền thì định nghĩa về thành công và nhu cầu của giới siêu giàu sẽ rất khác so với các đại gia thông thường.

Theo hãng tin Bloomberg, có gì khiến bạn trở nên sang chảnh hơn ngoài việc tham gia những hội siêu giàu. Thế nhưng dù có tiền thì các đại gia cũng chưa chắc được nhận.

Ví dụ như tổ chức R360 được thành lập nhằm tạo một nơi kết nối cho giới nhà giàu, những người có tài sản tối thiểu 100 triệu USD trở lên, trong đó có tỷ phú nổi tiếng Richard Branson.

Tuy nhiên trả lời hãng tin Bloomberg, quản lý Charles Garcia của hội R360 cho biết nhiều đại gia của những câu lạc bộ nhà giàu khác cũng chưa chắc qua được vòng kiểm duyệt.

Theo ông Garcia, nhà sáng lập tập đoàn đầu tư tài chính Sterling vào cuối thập niên 1990 cho biết việc lợi dụng hội kín để thu lợi cho hoạt động kinh doanh hay không muốn công khai lý lịch bản thân, gia đình khiến nhiều đại gia bị từ chối.

Hội kín của giới siêu giàu: Có tài sản hơn 100 triệu USD cũng chưa chắc được nhận, đóng phí hàng trăm nghìn USD để hưởng những dịch vụ ‘đặc biệt’

Những giá trị cốt lõi của R360 nằm ở danh dự, tinh thần khởi nghiệp và sự hào phóng chứ không đơn thuần chỉ là một hội kết nối quan hệ xã hội và làm ăn. Những người được chấp nhận tham gia R360 sẽ phải đóng 180.000 USD cho 3 năm trải nghiệm, qua đó thu được các giá trị về tài chính, trí tuệ, tinh thần, cảm xúc và mở rộng mạng lưới quan hệ.

Thay vì chỉ là một nơi để kết nối làm ăn, R360 hướng tới trở thành một tập thể khi các thành viên coi nhau như người thân, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn.

Trên thực tế, những hội kín như R360 không thiếu trên thế giới khi các đại gia có xu hướng tụ tập với nhau để tìm kiếm sự giúp đỡ, mở rộng mối làm ăn hay đơn giản cần một nơi giao lưu, học hỏi với những người cùng đẳng cấp.

Ví dụ như Tiger 21, một hội kín nhà giàu khác tương tự như R360 thu phí 30.000 USD/năm và hiện đã có gần 1.000 thành viên.

Nhu cầu kết nối

Theo Bloomberg, bất kể giàu nghèo thì con người cũng cần giao lưu, kết nối và học hỏi. Tuy nhiên môi trường giáo dục hiện nay không đáp ứng được giới đại gia trong khi nhiều người cần những không gian riêng tư để trò chuyện, giao lưu hoặc mở rộng quan hệ. Thêm nữa, giới nhà giàu cũng muốn tham gia các hội kín mà họ biết chắc rằng chỉ bao gồm những người cùng đẳng cấp để đỡ tốn thời gian.

Thế nhưng theo cựu giám đốc Michael Cole của Cresset Asset Management, một thành viên của R360 thì khi có hơn 100 triệu USD, nhu cầu của các đại gia sẽ không còn tầm thường như nhiều người giàu khác nữa. Thay vì chỉ tìm kiếm cơ hội kinh doanh, những người giàu này còn muốn học hỏi, hoàn thiện hơn bản thân hay tìm kiếm những giá trị mà mình chưa đạt được.

Hội kín của giới siêu giàu: Có tài sản hơn 100 triệu USD cũng chưa chắc được nhận, đóng phí hàng trăm nghìn USD để hưởng những dịch vụ ‘đặc biệt’ - 1
Tiền không còn là định nghĩa thành công duy nhất của giới siêu giàu

Với những người siêu giàu như thế này, cơ hội kinh doanh đã không còn là mục tiêu duy nhất mà họ còn hướng tới những giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội. Các hội kín trở thành nơi đào tạo về tinh thần, tư duy cũng như trở thành một gia đình nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm.

Lấy ví dụ hội GPC được thành lập bởi David Rockefeller với hơn 100 thành viên thuộc các gia tộc lớn trên thế giới. Hội này chỉ xét duyệt những trường hợp được hội viên mời cá nhân chứ không chấp nhận đơn xin vu vơ. Khác với R360, GPC tập trung hướng đến là nơi giao lưu, đàm luận những quan điểm và để giới nhà giàu chung tay góp sức khiến xã hội tốt đẹp hơn. Phí thường niên của GPC là 25.000 USD/năm.

Hãng tin Bloomberg nhận định những hội kín này thường được các ngân hàng tư nhân hay quỹ đầu tư của giới nhà giàu tài trợ nhằm đổ nguồn lực vào mở rộng quan hệ hay xây dựng những di sản về giáo dục, văn hóa nhằm đóng góp cho xã hội hoặc đơn giản là để kế thừa cho đời con cháu họ.

Những dịch vụ đặc biệt

Quay trở lại với hội R360, tổ chức này được thành lập bởi 48 đại gia siêu giàu, mỗi người đóng góp 350.000 USD tiền vốn. Hội R360 muốn thu nhập 50 đại gia mỗi năm để đạt 500 thành viên ở Mỹ và 500 người tại nước ngoài. Quản lý Garcia nhấn mạnh R360 hướng đến việc tồn tại 100-200 năm với các di sản hơn là chỉ tồn tại ngắn hạn cho mục đích kết nối kinh doanh đơn thuần.

Tất nhiên, bất kỳ hội viên nào cũng có thể trình bày cơ hội đầu tư cho những người còn lại nhưng chúng cần được một hội đồng thông qua trước với các quy trình chặt chẽ. Suy cho cùng, giới siêu giàu đã quá thành công và tiền bạc đã không còn là mục đích duy nhất.

Ngoài ra, các thành viên cũng sẽ được tiếp xúc với những chuyên gia y tế, giáo dục đầu ngành nếu họ có nhu cầu hoàn thiện bản thân cũng như quan tâm đến gia đình, con cháu. Tại R360 có nhiều chương trình liên kết với trường đại học y Harvard, đại học y Stanford, khóa đào tạo về tiền số và Fintech của trường đại học Columbia, khóa học về lãnh đạo của trường quân sự West Point, khóa học công nghệ của MIT...

Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy tổng tài sản 500 người giàu nhất trên thế giới đã tăng 1,8 nghìn tỷ USD trong năm vừa qua, chứng tỏ tiềm năng của những hội kín siêu giàu này.

Hội kín của giới siêu giàu: Có tài sản hơn 100 triệu USD cũng chưa chắc được nhận, đóng phí hàng trăm nghìn USD để hưởng những dịch vụ ‘đặc biệt’ - 2
Tỷ phú Richard Branson tham gia buổi gặp mặt của R360

Vào tháng 7/2021, khoảng 30 thành viên của R360 đã bay đến đảo Necker Island tư nhân của tỷ phú Richard Branson nhằm có những buổi trò chuyện với doanh nhân này cùng các diễn giả khác như giáo sư David Siclair từ trường đại học Harvard, chuyên gia James Doty từ trường y Stanford. Tất nhiên, chuyến đi cũng bao gồm những hoạt động giải trí riêng tư khác.

Trong khi đó, khóa học về lãnh đạo tại trường quân sự West Point của R360 lại nhắm đến sự kết nối với thế hệ thừa kế khi các thành viên nói về quãng đời lập nghiệp của mình cũng như tham gia các trò chơi bắn súng, đá bóng...

Hội viên nào muốn có thể thuê hẳn một đoàn làm phim để nói về cuộc đời lập nghiệp của mình cùng một bản thảo hồi ký 200 trang được biên soạn tử tế.

"Nếu bạn là một nhà quản lý tài sản giỏi thì bạn phải biết tạo sức ảnh hưởng với những di sản lên các thế hệ con cháu sau này mà có thể bản thân sẽ không có cơ hội gặp mặt", quản lý Garcia cho biết.

Nhà sáng lập Angel Alvarez và là chủ tịch tập đoàn ABB Optical Group đã đặt hàng dịch vụ này với 40 phút phim tài liệu về mục đích sống và làm thế nào để thay đổi thế giới, sau đó là câu chuyện lập nghiệp của ông.

Trong khi đó, nhà sáng lập Brenda Snow của Snow Companies thì muốn học về cách giáo dục quản lý tài sản cho con cái. Cha của cô Snow không thảo luận nhiều về vấn đề này và khiến chuyện thừa kế trở nên nặng nề cho gia đình cô. Bởi vậy bà Snow không muốn lịch sử lặp lại với con mình.

Không dừng lại đó, một số thành viên nữ trong R360 cũng tổ chức cuộc buổi thảo luận về sức khỏe trong mùa dịch Covid-19, cách xử lý mối quan hệ với con riêng của chồng hay lối hành xử khi bản thân kiếm nhiều tiền hơn chồng.

"Tôi phải nói thực rằng tưởng chừng giới siêu giàu không gặp nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nhưng thực tế họ cũng có những vấn đề của riêng mình", bà Snow cho biết.

Theo Băng Băng (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/hoi-kin-cua-gioi-sieu-giau-co-tai-san-hon-100-trieu-usd-cung-chua-chac-duoc-nhan-dong-phi-hang-tram-nghin-usd-de-huong-nhung-dich-vu-dac-biet-161210211075010057.htm