Thế giới

IS nhận trách nhiệm vụ tấn công liên hoàn ở Jakarta

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm, trong khi cảnh sát thủ đô Indonesia khẳng định “chắc chắn” IS đứng sau vụ tấn công hôm qua.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm, trong khi cảnh sát thủ đô Indonesia khẳng định “chắc chắn” IS đứng sau vụ tấn công hôm qua.

Một người đàn ông trong trang phục màu đen, đội mũ, cầm súng và chạy trong khu vực Jalan MH Thamrin, gần trung tâm mua sắm Sarinah sáng 14/1. Một bức ảnh khác cho thấy tên này cầm súng chĩa về phía đám đông. Ảnh: AP

 
"Một nhóm chiến binh của vương quốc (Hồi giáo) ở Indonesia đã nhằm mục tiêu vào đám đông chống lại IS ở Jakarta, bằng cách đặt nhiều thiết bị nổ, trong khi một số chiến binh khác tấn công bằng vũ khí hạng nhẹ và dây lưng giắt thuốc nổ", IS nói trong thông báo chính thức tối 14/1.

Theo IS, số người thiệt mạng từ vụ tấn công là 15 người, cao hơn con số chính thức do chính phủ Indonesia công bố là 7 người, bao gồm 5 kẻ tấn công.

Trước đó, theo Reuters, một hãng tin ủng hộ IS tuyên bố tổ chức này nhận trách nhiệm trong vụ tấn công tại Jakarta hôm nay.

“Các chiến binh IS đã thực hiện vụ tấn công có vũ trang sáng nay nhằm vào các mục tiêu người nước ngoài và lực lượng an ninh bảo vệ họ tại thủ đô của Indonesia”, hãng Aamaaq công bố.

Phiến quân IS lên kế hoạch trong thời gian dài
 
Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Indonesia, ông Anton Charliyan, ngày 14/1 cho biết IS từng cảnh báo “sẽ có hòa nhạc ở Indonesia và sẽ thành tin quốc tế”.

Trong khi đó, cảnh sát trưởng Jakarta Tito Karnavian cho biết, Bahrun Naim, phiến quân IS, được cho là đang ở Syria, “đã lên kế hoạch trong một thời gian dài”.

“Hắn là kẻ đứng sau vụ tấn công”, ông Karnavian khẳng định.

Trong bài viết ngày 16/11/2015, Bahrun Naim mô tả vụ khủng bố ở Paris là "truyền cảm hứng" và ca ngợi các nghi phạm trong loạt vụ tấn công này vì "khả năng lập kế hoạch và sẵn lòng liều chết".

CNN dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ Indonesia cho hay, giới chức đã bắt 7 kẻ tình nghi liên quan tới vụ nổ.

Thông báo của Ban thư ký nội các Indonesia cho biết, 7 người chết bao gồm một công dân Canada, một người Indonesia và 5 kẻ tấn công. Ít nhất 15 thường dân và 5 cảnh sát bị thương. Các tuyến đường xung quanh hiện trường đã mở cửa trở lại sau một thời gian phong tỏa, tình hình "có vẻ bình thường". Jakarta khẳng định, chi phí điều trị vết thương của các nạn nhân, dù nhẹ hay nghiêm trọng, sẽ do nhà nước chi trả. Lực lượng an ninh cũng xác nhận, vụ nổ chỉ xảy ra ở quán cafe Starbucks tại khu vực Sarinah và tại giao lộ Jalan Sarinah.

Ban thư ký nội các Indonesia cũng cho hay, chính phủ không lo sợ và họ chắc chắn rằng công dân Indonesia cũng không sợ hãi.
 

Cảnh sát đảm bảo an ninh ở hiện trường vụ nổ. Ảnh: CNN.

 
Nhiều lãnh đạo trên thế giới bày tỏ sự phản đối và lên án vụ nổ liên hoàn ở Jakarta.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ lên án cuộc tấn công ở thủ đô Jakarta và cho rằng những cuộc tấn công như vậy không thể đe dọa các quốc gia. “Tình hình an ninh tại Jakarta hiện vẫn phức tạp. Công dân Mỹ nên tránh ở khách sạn Sari Pan Pacific trên đường Jalan Thamrinm và hoãn tất cả chuyến đi không cần thiết trong thành phố”, Đại sứ quán Mỹ thông báo đồng thời cho biết văn phòng vẫn duy trì các dịch vụ khẩn cấp.

Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta tuyên bố sẽ đóng cửa vào ngày 15/1 để đảm bảo an toàn sau các vụ nổ bom.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông cảm thấy sốc và đau buồn khi nghe những tin tức về các vụ nổ bom ở thành phố Jakarta.

“Suy nghĩ của tôi đang hướng về những người bị mất đi người thân yêu trong cuộc tấn công ở Jakarta. Tôi cầu nguyện những người bị thương nhanh chống bình phục”, Tổng thống Ấn Độ Narenda Modi viết trên Twitter cá nhân.

Trong khi đó, ông Najib Tun Razak, Thủ tướng Malaysia, nói rằng Malaysia sẵn sàng giúp đỡ Indonesia bằng mọi cách.

Malaysia nâng mức cảnh báo an ninh
 
Sau vụ khủng bố ở Indonesia, cảnh sát Malaysia cũng nâng cảnh báo an ninh quốc gia lên mức cao nhất.

Hãng tin Bernama dẫn lời Tổng Thanh tra cảnh sát Hoàng gia Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết các biện pháp an ninh tăng cường đã được áp dụng tại những địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm và các điểm du lịch. Trong khi đó, những đối tượng thuộc diện theo dõi của cảnh sát do tình nghi liên quan đến các hoạt động khủng bố sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Ông Khalid bảo đảm với người dân rằng tất cả cảnh sát luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ. "Cảnh sát đã và đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn những sự cố như vậy ở Malaysia trong vài tháng qua, sau nhiều vụ việc liên quan đến khủng bố diễn ra trên toàn cầu", ông Khalid nhấn mạnh.

Vụ đánh bom liều chết sáng 14/1 là sự việc nghiêm trọng đầu tiên tại Jakarta kể từ vụ tấn công liên hoàn tại hai khách sạn sang trọng J.W.Marriott và Ritz Carlton, khiến 7 người chết năm 2009.

Sự việc xảy ra không lâu sau khi Indonesia ngăn chặn thành công kế hoạch tấn công ở thủ đô Jakarta dịp năm mới.

Phát biểu trong cuộc gặp ngày 21/12 năm ngoái với các quan chức an ninh Indonesia, Bộ trưởng Tư pháp Australia George Brandis, cho biết Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có ý định tuyên bố thành lập Caliphate (Thể chế Hồi giáo do một lãnh tụ tôn giáo tối cao gọi là "người kế tục" nhà tiên tri Mohammed lãnh đạo) ở những nơi khác ngoài Trung Đông. Chúng xác định địa điểm là Indonesia, đất nước có nhiều người theo đạo Hồi nhất thế giới.
 
Diễn biến chính của các vụ nổ ngày 14/1:
 
- Trong khoảng từ 10h đến 11h ngày 14/1 theo giờ Jakarta, ít nhất 7 tiếng nổ liên tiếp vang lên tại trung tâm thủ đô của Indonesia, nơi tập trung nhiều khách sạn sang trọng, đại sứ quán và tòa nhà văn phòng.

- 15 kẻ tấn công được cho là đã tới thành phố bằng xe máy. Chúng được trang bị súng và thuốc nổ.

- Hàng trăm cảnh sát phong tỏa khu vực và xe tăng được điều động tới hiện trường ngay sau khi vụ việc xảy ra.

- Ít nhất 7 người thiệt mạng sau các vụ nổ và đấu súng, gồm 5 nghi phạm và 2 cảnh sát.

- Giới chức Indonesia cho hay, một tổ chức tại Indonesia có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được cho là thủ phạm đứng sau vụ việc.
 
Các cuộc tấn công của phần tử Hồi giáo ở Indonesia

Indonesia đã phải chịu nhiều cuộc tấn công trước đây. Tuy nhiên, nước này tương đối thành công trong việc hạn chế sự phát triển của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong nước sau hàng loạt cuộc tấn công trong thập kỷ qua.

Tháng 7/2009: 7 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi hai kẻ đánh bom liều chết nhắm mục tiêu vào khách sạn Marriott và Ritz Carlton ở Jakarta.

Tháng 10/2005: Các cuộc tấn công liều chết xảy ta ở đảo Bali khiến 23 người chết, bao gồm cả những kẻ tấn công.

Tháng 9/2004: Vụ đánh bom xảy ra bên ngoài đại sứ quán Australia ở thủ đô Jakarta khiến ít nhất 9 người chết.

Tháng 8/2003: Đánh bom vào khách sạn Marriott ở Jakarta giết chết 12 người.

Tháng 10/2002: Đánh bom ở đảo Bali khiến 202 người thiệt mạng, trong đó có 88 người Australia.

Tháng 12/2000: Nhiều vụ đánh bom nhà thờ trên khắp cả nước khiến 12 người thiệt mạng.

 
>> ĐSQ Việt Nam tại Jakarta lập đường dây nóng sau nổ bom liên hoàn
>> Nghi vấn nghi phạm đánh bom tại Jakarta bị ghi hình
 
Theo Hải Anh - Tống Hoa (Zing.vn)