Thế giới

Khủng bố Paris “test năng lực” ứng viên Tổng thống Mỹ

Hệ quả cuộc khủng bố đẫm máu tại Thủ đô Paris (Pháp) do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện gây áp lực tới các ứng viên trong cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ 2016.

Hệ quả cuộc khủng bố đẫm máu tại Thủ đô Paris (Pháp) do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện gây áp lực tới các ứng viên trong cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ 2016.

Ba ứng viên Đảng Dân chủ mặc niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố tại Paris trước khi bước vào tranh luận

Bổ sung khủng bố vào tranh luận

Sau vụ thảm sát tại Paris, ba ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ (cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Thống đốc bang Maryland - Martin O’Malley, Thượng nghị sỹ bang Vermont - Bernie Sander) bước vào cuộc tranh luận thứ hai được phát sóng trực tiếp từ TP Des Moines, bang Iowa (Mỹ) ngày 15/11. Vào phút chót, sự kiện thảm sát được bổ sung vào nội dung tranh luận, để các ứng viên thể hiện những quan điểm của mình trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông cũng như cuộc chiến chống khủng bố, theo CBS.

Mở đầu, bà Clinton kêu gọi sự đoàn kết của toàn thế giới nhằm diệt tận gốc tư tưởng thánh chiến cực đoan mà các nhóm khủng bố, trong đó có IS đang tuyên truyền.

Hai ứng viên Sander và O’Malley cũng lên tiếng chỉ trích các phần tử IS, những kẻ đã nhận thực hiện vụ tấn công đẫm máu trên. Ông O’Malley nhấn mạnh, nước Mỹ sẵn sàng hợp tác với thế giới chống lại các phần tử khủng bố.

Để lấy được niềm tin nơi người dân, các ứng viên tổng thống có thêm một nhiệm vụ nữa là cần phải có chiến lược rõ ràng để giải quyết, ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố. Cuộc tấn công xảy ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa dứt lời tuyên bố dừng việc đưa thêm lính Mỹ tham gia vào chiến dịch chống IS, theo Washington Post.

Nguy cơ từ 10.000 người tị nạn Syria

Tháng 9 vừa qua, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ tiếp nhận ít nhất 10.000 người tị nạn đến từ Syria cho tới năm sau. Do đó, Chính phủ hứng chịu chỉ trích nặng nề từ phía phe đối lập. “Ý tưởng đưa hàng chục nghìn người tị nạn Syria theo đạo Hồi vào nước Mỹ của Tổng thống Obama và ứng viên Hillary Clinton thật quá điên rồ” - Nghị sỹ Ted Cruz (R-Tex.) chỉ trích. Theo ông, Mỹ chỉ nên tiếp nhận những người tị nạn theo đạo Thiên Chúa.

Chuyên gia chính sách đối ngoại tại Đại học Stanford - ông Kori Schake nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, chính sách đối ngoại là điều các ứng viên phải chú trọng. Đó là bài trắc nghiệm thử tài Tổng thống tương lai. Ông John R. Bolton, nhà cựu ngoại giao Đảng Bảo thủ cũng đồng tình, chính sách đối ngoại là một bài kiểm tra nghị lực và phán đoán của ứng viên. Các ứng viên chỉ đọc những bài phát biểu hùng hồn, đầy hứa hẹn do nhân viên viết là chưa đủ. Họ cần phải chứng minh được khả năng tự xử lý hàng loạt vấn đề, xoa dịu những căng thẳng mà có lẽ họ chưa bao giờ tưởng tượng tới.

Hiện nay, cuộc điều tra vụ thảm sát đang được mở rộng sang Bỉ, Hy Lạp và Đức. Theo BBC, Pháp công bố danh tính ít nhất 7 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công thảm sát. Hôm qua, giới chức Pháp thông báo kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố Paris là Abdelhamid Abaaoud, quốc tịch Bỉ, gốc Morocco.

Tin tức cho biết tên này đang ở Syria.lĐến hết ngày 16/11, Pháp vẫn chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. 1.500 binh lính đã được triển khai để đảm bảo an toàn cho các vị trí "chiến lược đặc biệt". Theo CNN, đã có 23 người bị bắt giữ; 104 người bị quản thúc tại gia, nhiều loại vũ khí bị thu giữ.
 
>> Kanye West tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống Mỹ
>> Bà Hillary Clinton chính thức tranh cử tổng thống Mỹ

Theo Trang Trần - Thanh Huyền (Báo Giao Thông)