Thế giới

Máy bay Y-8 của Trung Quốc có phải chỉ là vận tải cơ?

Bấp chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, TQ tiếp tục điều máy bay ra đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bấp chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, TQ tiếp tục điều máy bay ra đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo China News, máy bay trên đã đáp xuống sau khi nhận lệnh đưa ba công nhân bị bệnh bay về thành phố Tam Á, đảo Hải Nam để điều trị. Trước đó, máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ được cho là tuần tra tại Biển Đông.

Theo thông tin Trung Quốc công khai Y-8 chỉ đơn thuần là máy bay vận tải quân sự, nhưng theo tuần san Liêu Vọng, một phụ bản của Tân Hoa Xã hồi đầu năm 2016, những chiếc Y-8 của Trung Quốc hoạt động (phi pháp) tại Biển Đông đều thuộc đơn vị đặc biệt với tên gọi "Chim ưng biển".
 

Máy bay Y-8 hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập của Việt Nam.

Đơn vị này có nhiệm vụ do thám, thu thập thông tin về mọi hoạt động trên Biển Đông bao gồm cả dân sự và quân sự. "Chim ưng biển" là đơn vị đa nhiệm duy nhất có thể hoạt động phòng không cảnh báo sớm, chỉ huy và kiểm soát, truyền dữ liệu chiến thuật và chỉ thị mục tiêu từ xa.

Căn cứ vào thông tin này cho thấy, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai đưa (phi pháp) một máy bay do thám kiêm vận tải cơ đến đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Động thái trên là diễn biến mới nhất liên quan tới các hoạt động trái phép của nước này trên vùng đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước đó, vào ngày 2 và 6/1/2016, Trung Quốc liên tục thử nghiệm hạ cánh ở đường băng trên đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập.

Trước việc Trung Quốc điều máy bay phi pháp ra đá Chữ Thập, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.

Theo ông Bình, hành động này cũng làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự.
 
>> Mỹ phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự đến đá Chữ Thập
>> Phi cơ quân sự Trung Quốc hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập
>> Mưu đồ Trung Quốc bay thử nghiệm trên đảo đá Chữ Thập
>> Trung Quốc điều thêm máy bay tới đá Chữ Thập
 
Theo Thùy Dung (Đất Việt)