Thế giới

Mối quan hệ nhiều cay đắng giữa Trump và McCain

Trump thường xuyên công kích cá nhân thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong khi McCain chỉ trích gay gắt các chính sách của Nhà Trắng.

Mối quan hệ nhiều cay đắng giữa Trump và McCain
Trump (trái) và McCain trong một cuộc họp ở Nhà Trắng năm 2017. Ảnh: AP.

Tuần trước, sau khi gia đình thượng nghị sĩ John McCain thông báo ông đã quyết định ngừng điều trị căn bệnh ung thư não giai đoạn cuối, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, Chánh văn phòng John Kelly cùng một số quan chức cấp cao trong chính quyền Donald Trump soạn thảo một tuyên bố chính thức để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất với thượng nghị sĩ này, theo Washington Post.

Bản dự thảo tuyên bố được Sanders và các trợ lý chỉnh sửa lần cuối sau khi tin buồn được gia đình McCain phát đi vào chiều 25/8. Họ đưa bản tuyên bố này cho Tổng thống phê duyệt lần cuối để công bố chính thức, nhưng Trump gạt đi, nói rằng ông chỉ muốn đăng một đoạn ngắn trên Twitter. Bản tuyên bố của Nhà Trắng ca ngợi cuộc đời McCain bị dẹp bỏ, theo các trợ lý giấu tên làm việc trong chính quyền Trump.

"Tôi gửi sự đồng cảm và tôn trọng sâu sắc nhất đến gia đình Thượng nghị sĩ John McCain", Trump viết trên Twitter vào tối 25/8. Đến ngày hôm sau, trong khi các cựu tổng thống Mỹ, các quan chức cấp cao trong chính quyền cùng nhiều lãnh đạo thế giới đưa ra các tuyên bố ca ngợi McCain, tài khoản Twitter của Trump gần như "im hơi lặng tiếng". Tổng thống Mỹ dành cả buổi chiều hôm đó tại sân golf ở Virginia và chỉ trở về khi Nhà Trắng treo cờ rủ.

"Đó là sự tàn nhẫn", Mark Corallo, cựu phát ngôn viên đội ngũ pháp lý của Trump và là một chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa, bình luận về phản ứng của Tổng thống trước sự ra đi của McCain. "Vào những lúc như thế này, bạn kỳ vọng nhiều hơn từ một tổng thống Mỹ khi nói về sự ra đi của một người anh hùng Mỹ đích thực".

Theo bình luận viên Josh Dawsey, thực tế đó cũng cho thấy mối quan hệ trắc trở, thậm chí là cay đắng, giữa Trump và McCain cũng như những khác biệt cả về phong cách lẫn quan niệm sống của họ.

Định kiến của Trump đối với McCain dường như bắt đầu ngay trước khi ông tham gia chính trị, theo ABC News. Từ năm 1999, Trump đã mỉa mai về binh nghiệp của McCain khi thượng nghị sĩ này ra tranh cử tổng thống. "Ông ấy từng bị bắt làm tù binh. Việc trở thành tù binh có biến bạn thành người hùng không? Tôi không biết, tôi không chắc lắm", Trump nói trong một cuộc phỏng vấn năm đó.

Tuy nhiên, cảm nhận của Trump với McCain thay đổi trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008. "Donald lúc đó rất thích McCain. Trong cuộc bầu cử, ông ấy nói với tôi rằng đảng Cộng hòa cần một người như McCain, một điều gì đó khác biệt", Chris Ruddy, một người bạn lâu năm của Trump cho biết. "Ông ấy nói rằng McCain là một người khác thường làm những điều khác biệt".

Nhưng hơn 10 năm sau, khi tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2015, Trump lại khơi lại chủ đề cũ, chỉ trích việc McCain từng bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh ở Việt Nam. "Ông ta không phải anh hùng chiến tranh, vì ông ta đã bị bắt. Tôi thích những người không bị bắt hơn", Trump, người chưa từng nhập ngũ, tuyên bố.

Ngoài việc chỉ trích binh nghiệp của McCain, một vấn đề Trump thường nhắc tới để công kích thượng nghị sĩ này là lá phiếu của ông chống lại dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất để bãi bỏ và thay thế Obamacare.

Đảng Cộng hòa đưa dự luật này ra thượng viện để bỏ phiếu vào tháng 7/2017, khi McCain đang điều trị ở quê nhà Arizona sau khi bị chẩn đoán ung thư não. McCain đã quyết định bay tới Washington để tham gia bỏ phiếu, trong bối cảnh đảng Cộng hòa cần ít nhất 50 phiếu để dự luật được thông qua.

Trump trước đó rất kỳ vọng rằng dự luật sẽ được thông qua với sự ủng hộ của McCain. Tuy nhiên, phiếu chống của McCain đã khiến dự luật này "chết yểu" khi chỉ nhận được sự ủng hộ của 49 thượng nghị sĩ. Đây được coi là một đòn giáng nặng nề với nỗ lực của Trump và đảng Cộng hòa nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Obama.

Kể từ đó, Trump thường xuyên lôi lá phiếu của McCain ra để công kích trong gần như mọi bài phát biểu, dù không nêu đích danh thượng nghị sĩ này. Lần gần đây nhất ông chỉ trích McCain là trong bài diễn thuyết ở Tây Virginia, chỉ bốn ngày trước khi gia đình McCain thông báo ông qua đời.

"Tôi nói với các bạn rằng Obamacare ngày càng suy yếu. Chúng ta đã gần đánh bại nó, nhưng một người mà tôi chắc là ai cũng biết là ai, đã bỏ phiếu chống lại, sốc chưa", Trump nói trong bài phát biểu. Những bình luận như vậy của Trump thường vấp phải những lời la ó từ khán giả bên dưới.

Một số quan chức trong chính quyền Trump cũng có những phát ngôn tiêu cực đối với McCain. Hồi tháng 5, trợ lý Nhà Trắng Kelly Sadler tuyên bố trong một cuộc họp kín rằng ý kiến của McCain đối với việc bà Gina Haspel được đề cử làm giám đốc CIA là không quan trọng vì "ông ấy đằng nào cũng sắp chết".

Tuyên bố của Sadler hứng chịu chỉ trích nặng nề từ dư luận và gia đình McCain. "Tôi có cần nhắc cho cô nhớ là chồng tôi có một gia đình, 7 người con và 5 đứa cháu không", bà Cindy, vợ của McCain, viết trên Twitter. Sadler phải từ chức một thời gian ngắn sau đó.

Dù McCain được coi là một "cây đa cây đề" của đảng Cộng hòa, Trump gần như không bao giờ nói điều gì tốt đẹp về ông kể từ khi nhậm chức. Các trợ lý Nhà Trắng cho biết Trump nhiều lần nói McCain "không phải là bạn" và là trở ngại với chương trình nghị sự của ông.

Phản ứng của McCain

Mối quan hệ nhiều cay đắng giữa Trump và McCain - 1
McCain bên ngoài phòng họp của thượng viện Mỹ vào tháng 6/2017. Ảnh: AP.

Dù liên tục bị Tổng thống công kích cá nhân, McCain hầu như luôn tránh đề cập đến những lời chỉ trích đó, mà chủ yếu tập trung vào phản biện các chính sách và cách thức sử dụng quyền lực hành pháp của Trump.

McCain chỉ có một lần nhắc tới chế độ quân dịch Mỹ từng giúp Trump không phải nhập ngũ vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn với C-SPAN vào tháng 10/2017, McCain cho rằng những lỗ hổng trong chế độ quân dịch này giúp nhiều người Mỹ giàu có không phải gia nhập quân đội, trút gánh nặng lên người nghèo.

"Một khía cạnh của cuộc chiến, điều tôi sẽ không bao giờ chấp nhận, là việc chúng ta bắt nhập ngũ những người có thu nhập thấp nhất của nước Mỹ, trong khi người giàu tìm một bác sĩ và nói rằng họ bị gai xương", McCain nói. "Điều đó là sai trái. Nếu chúng ta yêu cầu ai cũng phải phục vụ quân đội, mọi công dân Mỹ đều phải nhập ngũ".

Trump từng ít nhất một lần được hoãn nghĩa vụ quân sự sau khi có giấy xác nhận của bác sĩ rằng ông có gai ở xương gót chân. McCain sau đó giải thích rằng ông không có ý gọi Trump là người trốn nhập ngũ và bình luận của ông chỉ đơn giản là nhắm vào "hệ thống sai trái giúp một số người Mỹ né tránh nghĩa vụ với đất nước".

Khi Trump đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống, McCain đã thể hiện sự ủng hộ đối với ông. Nhưng ông thay đổi quyết định của mình vào tháng 10/2016, khi cuốn băng Access Hollywood được công bố, cho thấy Trump có những lời lẽ miệt thị với phụ nữ.

Sau khi Trump đắc cử Tổng thống, McCain trở thành một trong những người phê bình gay gắt nhất đối với chính sách đối nội và đối ngoại của ông, cũng như cách người đứng đầu Nhà Trắng công kích truyền thông.

Một ngày sau khi bỏ phiếu bác dự luật thay thế Obamacare, McCain có bài phát biểu rất quyết liệt ở thượng viện, trong đó ông coi vai trò của thượng viện là một "chốt chặn" với quyền lực tổng thống.

"Tôi hy vọng chúng ta một lần nữa có thể dựa vào sự khiêm nhường, nhu cầu hợp tác và sự độc lập lẫn nhau để lại học cách tin tưởng nhau, từ đó phục vụ tốt hơn những người dân đã bầu ra chúng ta", ông nói về mối quan hệ giữa quốc hội và Nhà Trắng.

Ông khẳng định dù cùng đảng hay không, các nghị sĩ quốc hội không phải là "cấp dưới của Tổng thống" và có vai trò kiểm soát quan trọng với quyền lực của nhánh hành pháp.

Trong bài phát biểu cuối cùng trong một lễ trao giải ở Philadelphia năm ngoái, McCain một lần nữa dường như chỉ trích phong cách chính trị của Trump, dù không nêu đích danh Tổng thống.

"Việc lo ngại thế giới mà Mỹ đã dẫn dắt trong 3/4 thế kỷ, từ bỏ những lý tưởng chúng ta đã thúc đẩy trên toàn cầu, từ chối nghĩa vụ lãnh đạo quốc tế vì lợi ích của chủ nghĩa dân tộc giả mạo, nửa mùa là hành động phi ái quốc", McCain khẳng định.

Ngay cả khi lui về Arizona để chữa bệnh, McCain vẫn thường xuyên bình luận về các quyết sách của Trump, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại. Ông hoan nghênh các quyết định đem lại lợi ích cho nước Mỹ và thế giới, nhưng cũng không ngần ngại lên án những điều mà ông cho là sai lầm của Tổng thống.

Hồi tháng 7, sau khi Trump gặp thượng đỉnh Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Phần Lan, McCain ra tuyên bố chỉ trích "sự ngây thơ, tự phụ" của Tổng thống và gọi cuộc gặp ở Helsinki là một "sai lầm thảm họa".

Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, McCain cũng cho rằng việc Trump quyết định gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và sau đó hủy vô thời hạn các cuộc tập trận với Hàn Quốc là những "nhượng bộ không cần thiết" không mang lại lợi ích cho nước Mỹ.

Trong khi McCain phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, nhiều nhà quan sát ở Washington đã hy vọng rằng Trump sẽ công nhận công lao của thượng nghị sĩ này khi bình luận về đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain năm tài khóa 2019, được quốc hội Mỹ đặt tên để ghi nhận những cống hiến của thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã không một lần đề cập đến McCain khi ca ngợi đạo luật được thông qua hồi giữa tháng 8.

Trước khi qua đời, McCain dường như muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cuối cùng tới Trump, khi gia đình ông mời Phó tổng thống Mike Pence tới dự tang lễ của ông ở Nhà thờ Quốc gia Washington, còn Tổng thống không được mời, theo NYTimes.

Theo Thành Nguyễn (VnExpress.net)