Thế giới

Mỹ công khai sức mạnh chiến đấu cơ thế hệ 6

Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) vừa công khai về sức mạnh máy bay thế hệ 6 - mô hình được em là con lai giữa B-2 và máy bay tàng hình YF-23.

Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) vừa công khai về sức mạnh máy bay thế hệ 6 - mô hình được em là con lai giữa B-2 và máy bay tàng hình YF-23.

Trang Sputnik dẫn phát ngôn viên của Văn phòng Chương trình Liên hợp Chiến đấu cơ Joe DellaVedova cho biết, tiêm kích thế hệ thứ 6 của Không - Hải quân Mỹ hiện trong quá trình lên ý tưởng. Theo kế hoạch, việc phát triển máy bay này sẽ hoàn thành vào năm 2030. Chiến đấu cơ thế hệ 6 sẽ thay thế F/A-18 sẽ loại biên vào năm 2035.

Theo yêu cầu của Lầu Năm Góc, tiêm kích thế hệ mới phải được thiết kế với lớp vỏ thông minh. Họ sẽ nghiên cứu kết hợp các thiết bị cảm ứng và điện tử vào luôn thân máy bay, nhằm giảm tải trọng lượng và lực cản khi máy bay hoạt động. Ngoài yếu tố tàng hình, các nhà chế tạo cũng chú ý nâng cấp sự tự động nhằm giảm thiểu các tháo tác của con người khi vận hành máy bay.

Để tham gia vào gói thầu phát triển máy bay thế hệ 6 cho Không - Hải quân Mỹ, Tập đoàn Northrop Grumman của nước này vừa đưa một clip giới thiệu về chiến đấu cơ thế hệ 6 mà họ đang nghiên cứu phát triển. Đoạn video đã mô phỏng được đầy đủ về vũ khí mới hiện đại của Không quân và Hải quân Mỹ.

My cong khai suc manh chien dau co the he 6
Máy bay thế hệ 6 của Northrop Grumman.

Dựa trên những phân tích, mô tả trong đoạn video, trang FoxtroAlpha cho rằng mẫu chiến đấu cơ thế hệ 6 của Northrop Grumman có thể xem là lai giữa oanh tạc cơ B-2 và máy bay tàng hình YF-23. Loại này được quảng cáo là đa dụng, cả hải quân lẫn không quân đều dùng được.

Trước đó hồi cuối tháng 12 năm ngoái, tập đoàn Northrop Grumman đã công bố ý tưởng thiết kế mới cho mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Không quân và Hải quân Mỹ.

Lầu Năm Góc hy vọng có thể chế tạo các máy bay chiến đấu thế hệ mới để thay thế các tiêm kích thế hệ 4 như F-16, chiến đấu cơ F-15C Eagle và tiêm kích hạm Boeing F/A-18E/F Super Hornet.

Song song với đó, Hải quân và Không quân Mỹ vẫn đang xác định những lỗ hổng năng lực mà mẫu chiến đấu cơ F/A-XX và mẫu máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ mới (NGAD) cần phải giải quyết. F/A-XX và NGAD dù là 2 chương trình tách biệt nhưng cùng chia sẻ những công nghệ chung.

“Những năm tới, khác biệt trong nhiệm vụ cơ bản và các mối đe dọa tiềm năng sẽ định hướng sự khác biệt giữa 2 chương trình F/A-XX và F-X, cũng như các hệ thống cũ F-22 và F-35”– một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết.

Nghiên cứu theo hướng này, các ý tưởng của Northrop về F/A-XX và NGAD đã có sự khác biệt rõ nét dù chia sẻ công nghệ và nhiều tính năng chung.

Northrop Grumman cũng cho biết thêm, các vũ khí năng lượng định hướng, việc quản lý nhiệt cho những vũ khí này và các cảm biến tiên tiến sẽ là những thách thức cơ bản đối với công tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Nga sản xuất tiêm kích thế hệ 6 từ composite

Không chỉ có Mỹ, Nga cũng dành nhiều sự quan tâm cho việc nghiên cứu tạo ra những thứ vũ khí mới, hiện đại để làm đối trọng với Washington. Ngay từ năm 2013, Nga cũng tuyên bố, nước này đã bắt tay vào việc nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ 6.

Tuy nhiên thời điểm này mọi thông tin về chiến đấu cơ mới của Moskva không được tiết lộ. Hơn 1 năm sau đó, vào tháng 10/2014, các nhà khoa học Nga lần đầu công bố những ý tưởng về máy bay thế hệ mới. Ông Andrei Grigorev , Tổng giám đốc quỹ Nghiên cứu Tiềm năng cho biết:

"Thách thức của chúng tôi là tạo nền tảng để phát triển mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Các dự án như vậy hiện đang được nghiên cứu, bắt đầu bằng việc nghiên cứu chế tạo vật liệu và động cơ".

Ngoài ra, ông Andrei Grigorev cũng tiết lộ các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của nước này sẽ được làm từ vật liệu tổng hợp composite siêu bền. Nguyên mẫu đầu tiên sẽ xuất hiện sau khoảng 12 năm nữa.

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Công ty Sukhoi phụ trách về thiết bị avionics Viktor Polyakov cho biết, tiêm kích thế hệ 6 của Nga chắc chắn sẽ là máy bay không người lái (UAV).

Clip mô phỏng sức mạnh máy bay thế hệ 6 của Northrop Grumman

Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)