Cuộc tập trận giữa Hải quân hai nước vẫn diễn ra theo kế hoạch dù Obama có phản đối Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào.

Cuộc tập trận giữa Hải quân hai nước vẫn diễn ra theo kế hoạch dù Obama có phản đối Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào.

Theo Defense News, khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Stethem theo lịch trình sẽ tham gia vào các cuộc tập trận bao gồm cả nội dung về thông tin liên lạc và mô phỏng cứu hộ mặt nước.

Sĩ quan chỉ huy của chiến hạm này, Harry Marsh tuyên bố, chuyến thăm nhằm “xây dựng lòng tin lẫn nhau” giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, các thủy thủ Mỹ sẽ biết thêm về “kinh nghiệm hàng hải của đối tác, để khi hoạt động trên biển, chúng tôi sẽ bảo đảm được an toàn và hiểu được họ làm gì còn chúng tôi thì làm gì".

Các quân nhân hải quân Trung Quốc đứng nhìn tàu chiến Stethem vào cảng Thượng Hải. Ảnh: AP.

Ông Harris phát biểu kiểu xoa dịu: “Các nước có thể tồn tại một số bất đồng nhưng hải quân của chúng tôi vẫn hoạt động an toàn trên biển... Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với hải quân Trung Quốc. Đó là mối quan hệ hữu hảo”.

Việc xây dựng lòng tin này được sĩ quan này đưa ra khi những phát ngôn cho rằng Trung Quốc đang tạo mối đe dọa với các nước trong khu vực của Tổng thống Mỹ Barrack Obama.

Washington cho rằng các dự án xây dựng đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông đe dọa tới tự do hàng hải trong khu vực.

Trong khi đó, Bắc Kinh hoàn toàn phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và cho rằng Mỹ đang làm nên một cái cớ để phô trương sức mạnh khi xoay trục sang châu Á- Thái Bình Dương.

Bất đồng trên được thể hiện mới nhất là việc ông Obama tuyên bố sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào nội dung Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Philippines dù trước đó, Bắc Kinh đã gạt phắt đi nội dung này vì cho là không phù hợp.

Trước đó vào năm ngoái, tại Đối thoại Shangri-La 2014 cũng liên quan tới vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông mà Mỹ và Trung Quốc đã công khai chỉ trích nhau dữ dội.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn và kêu gọi Bắc Kinh duy trì tự do hàng hải tại những tuyến đường biển quan trọng. Đáp lại, Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp vào các cuộc tranh chấp và gây thêm căng thẳng trong khu vực.

Song dầu vậy, sau cuộc Đối thoại gay gắt trên, Ngoại trưởng Mỹ  John Kerry quyết định tới tham dự hội nghị thường niên lần thứ 6 về Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung tổ chức vào ngày 9/7/2014. Chuyến thăm này của ông Kerry được cho là đáp lại thiện tình của Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nhấn mạnh cuộc đối thoại và tham vấn thường niên nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, giảm bớt những bất đồng và thúc đẩy mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới.

Giới chức Mỹ khẳng định, Washington có những lợi ích quốc phòng to lớn ở Biển Đông và biển Hoa Đông, những khu vực Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền. Dù động thái của Bắc Kinh gây ảnh hưởng tới vai trò và vị thế của Mỹ trong khu vực, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quân sự với Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Trong năm 2014, lần đầu tiên Mỹ mời Trung Quốc tham dự tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới. Việc tham gia RIMPAC giúp Trung Quốc hiểu nhiều về chiến thuật của Hải quân Mỹ cùng thông số kỹ thuật và các quy trình hoạt động của tàu chiến.

Tuy nhiên, trước RIMPAC 2014, Hải quân Trung Quốc đã hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực chống cướp biển trên Ấn Độ Dương từ năm 2008.

Theo Vũ Vũ (Đất Việt)