Thế giới

Nga mượn IS khoe trực thăng: Dìm hàng Trung-Mỹ

Nga đánh giá trực thăng là vũ khí không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tự nhận trực thăng Nga là lựa chọn tối ưu.

Nga đánh giá trực thăng là vũ khí không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tự nhận trực thăng Nga là lựa chọn tối ưu.

Tuần báo thông tin công nghiệp-quốc phòng VPK của Nga nhận định trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gia tăng hoạt động và các quốc gia tuyên bố tiêu diệt tổ chức khủng bố này cũng tăng cường các hành động đáp trả, trực thăng đang chiếm một vai trò đặc biệt.

Một vài nước khu vực Vùng Vịnh, Cận Đông và Trung Á đang hết sức chú ý tới lĩnh vực này khi mua nhiều mẫu trực thăng tối tân của Nga, Mỹ và châu Âu với mục đích yểm trợ cho quân đội và tiêu diệt các mục tiêu của IS.

Người Nga coi trọng trực thăng trong tác chiến chống khủng bố


Bên cạnh đó, một số nước đang tham gia cuộc chiến chống IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác vẫn tiếp tục tin tưởng vào các mẫu trực thăng cũ vốn được chế tạo từ thời Chiến tranh Lạnh. Một trong những quốc gia như vậy là Pakistan, khách hàng tiềm năng của trực thăng Nga.

Tham gia vào cuộc chiến tích cực chống lại các nhóm khủng bố (trong đó có IS) hiện có các nước Trung Đông và châu Á sau: Syria, Jordan, Iraq, Bahrain, UAE, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Trong cuộc chiến này, trực thăng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Một trong những ví dụ được VPK nêu ra là trường hợp của trực thăng chiến đấu Mi-24P được sử dụng trong chiến dịch của Nga ở Syria.

So sánh lực lượng

Theo VPK, trong số các nước kể trên, Saudi Arabia có lực lượng trực thăng mạnh nhất. Nước này có 15 trực thăng chiến đấu, gồm: 12 chiếc AH-64D Apache Longbow và 3 chiếc tối tân AH-64E Apache Guardian. Đây là mẫu trực thăng chiến đấu mà ngay cả Mỹ cũng mới chỉ đưa vào trang bị cho không quân lục quân.

UAE có 30 trực thăng chiến đấu AH-64D.

Quân đội Syria thì có 24 chiếc Mi-25 (phiên bản xuất khẩu của Mi-24V).

Trong những năm gần đây, Iraq cũng tăng cường đáng kể lực lượng trực thăng của mình. Mới đây, Iraq vừa nhận 16 chiếc Mi-35M và 11 chiếc Mi-28NE từ Nga. Tổng số trực thăng Iraq tiếp nhận từ Nga tới giữa năm 2016 sẽ là 24 chiếc Mi-35M và 19 Mi-28NE.

Trực thăng tấn công AH-64D


Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lực lượng trực thăng quy mô với 18 chiếc AH-1P Cobra, 12 AH-1S Cobra, 6 AH-1W Cobra, 4 TAH-1P Cobra.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu trang bị cho quân đội mẫu trực thăng chiến đấu tối tân T-129 ATAK do hãng trong nước Turkish Aerospace Industries – TAI sản xuất. Tính tới tháng 8/2015, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận chuyển giao 9 chiếc trực thăng loại này và dự kiến sẽ còn tiếp nhận thêm trong thời gian tới với tổng số 59 chiếc.

Pakistan có 38 trực thăng chiến đấu AH-1 Cobra phiên bản F và S và 1 chiếc Mi-24 đang niêm cất trong kho.

Jordan hiện sở hữu 25 trực thăng chiến đấu AH-1F Cobra.

Không quân Bahrain đang được trang bị 34 trực thăng chiến đấu, trong đó có 16 AH-1E Cobra, 12 AH-1F Cobra và 6 TAH-1P Cobra.

Trong số các quốc gia trên, Iraq và Pakistan đặc biệt tin dùng trực thăng trong cuộc chiến với các nhóm vũ trang. Baghdad đã quyết định mua sắm và bắt đầu tiếp nhận các mẫu trực thăng hiện đại, trong đó có “Thợ săn đêm Mi-28NE” của Nga với khả năng bảo vệ được tăng cường.

Trong khi đó, tình trạng của lực lượng trực thăng Pakistan lại tương đối thảm hại. Những chiếc Cobra cũ kỹ không thể chịu được tải trọng lớn trong quá trình tác chiến. Về mức độ bảo vệ, những chiếc AH-1F/S được chuyển giao cho Pakistan trong giai đoạn 1984-1986 thực sự thua kém những mẫu trực thăng chiến đấu hiện đại.

Trực thăng Mi-25 của quân đội Syria


Tải trọng có ích tối đa mà những chiếc Cobra chịu được là 1.500 kg. Trên máy bay cùng lúc chỉ có thể lắp đặt từ 4-8 tên lửa có điều khiển Hellfire.

Pakistan hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp các phụ tùng thay thế cho Cobra và làm giảm hiệu quả sử dụng mẫu trực thăng này. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa những chiếc AH-1F/S đã cũ kỹ cũng không hợp lý. Chính vì vậy, việc mua sắm các mẫu trực thăng mới trở thành vấn đề cực kỳ cấp bách đối với Pakistan.

Dìm hàng Mỹ-Trung?

Pakistan đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng trực thăng của mình. Hồi tháng 4/2015, sau thời gian dài từ chối, cuối cùng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đồng ý cung cấp cho Pakistan 15 chiếc trực thăng AH-1Z Viper.

Trực thăng AH-1Z Viper của Mỹ


Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc VPK, tải trọng có ích của loại trực thăng này nhỉnh hơn so với Mi-35M và Mi-28NE (2.620 kg) tuy nhiên lớp giáp và khả năng tự vệ trước tên lửa phòng không lại thua kém các chỉ số của Mi-28NE. Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là giá cả của AH-1Z cao hơn hẳn “Thợ săn đêm” của Nga.

Pakistan hiện cũng đang hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo trực thăng. Cũng vào tháng 4/2015, Pakistan đã nhận chuyển giao 3 trực thăng chiến đấu Z-10 từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiệu quả tác chiến của loại trực thăng này đang bị giới chuyên gia hoài nghi.

Trực thăng Z-10 của Trung Quốc


Mẫu trực thăng Z-10 chưa từng được sử dụng trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Chỉ số về tải trọng có ích (1.500 kg) hoàn toàn thua kém các mẫu Mi-35M và Mi-28NE của Nga cũng như AH-1Z của Mỹ.

Mẫu trực thăng chiến đấu của Trung Quốc được trang bị 2 động cơ WZ-9 với công suất cũng thua kém loại tương tự của Nga và Mỹ. Các chuyên gia phương Tây cho rằng với công suất động cơ không đủ lớn, Z-10 không thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến khi mang đủ tải trọng có ích.

Pakistan cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán với Nga. Mùa Hè năm 2015, hai bên đã ký thỏa thuận về việc Nga cung cấp 4 chiếc Mi-35M cho Pakistan.

Theo Bình Sự (Đất Việt)