Thế giới

Nga triển khai radar bao trùm toàn bộ không phận châu Âu

Quân đội Nga dự kiến đưa một đài radar Voronezh-SM với tầm theo dõi 6.000 km tới bán đảo Crimea, cho phép giám sát toàn bộ không phận châu Âu.

Quân đội Nga dự kiến đưa một đài radar Voronezh-SM với tầm theo dõi 6.000 km tới bán đảo Crimea, cho phép giám sát toàn bộ không phận châu Âu.

Đài radar Voronezh của Nga. Ảnh: RBTH.

Nga dự kiến triển khai một trạm radar cảnh báo sớm Voronezh-SM tới bán đảo Crimea, nhằm thay thế cho tổ hợp radar Dnepr đã xuống cấp nghiêm trọng. Với tầm quan sát xa 6.000 km và cao 8.000 km, đài Voronezh-SM tại Crimea có thể bao trùm toàn bộ không phận châu Âu, Sputnik ngày 19/8 đưa tin.

Voronezh-SM là hệ thống radar cảnh báo sớm thế hệ mới, có khả năng phát hiện và bám bắt các mục tiêu có kích thước nhỏ ở khoảng cách rất lớn. Moscow phát triển Voronezh-SM nhằm thay thế các đài Dnepr ra đời từ thập niên 1950.

"Đài Voronezh có phiên bản trên băng sóng mét, decimet và centimet. Trong đó, băng sóng centimet có khả năng xác định chính xác tọa độ và khoảng cách tới vật thể bay, dự đoán đường bay và điểm va chạm của mục tiêu đang theo dõi. Đây là yếu tố sống còn với một đài radar cảnh báo sớm", chuyên gia quân sự Mikhail Khodaryonok cho biết.

Ông Khodaryonok khẳng định đài Voronezh-SM sẽ là tuyến đầu trong lá chắn phòng thủ tên lửa của Nga, có nhiệm vụ theo dõi không phận phía tây và nam nước này, giúp cảnh báo về một cuộc tấn công phủ đầu tiềm tàng để lãnh đạo Nga có thời gian phản ứng.

nga-trien-khai-radar-bao-trum-toan-bo-khong-phan-chau-au-1

Tầm hoạt động của đài Voronezh-SM tại bán đảo Crimea. Ảnh: Google Maps.

Moscow dự định phát triển mạng lưới radar mới, được phát triển trên nền tảng các đài radar Voronezh trong biên chế hiện nay. Chúng được chế tạo theo nguyên lý module, có thể thay đổi linh động để tăng cường khả năng trong tương lai. Nga mất đi hệ thống cảnh báo sớm hợp nhất sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Các tổ hợp radar nằm ở những nước cộng hòa độc lập đều bị loại biên hoặc phá hủy hoàn toàn.

Việc Nga biên chế các đài radar Voronezh đời mới có thể khiến máy bay Mỹ mất lợi thế tàng hình. Tiêm kích F-22, F-35 được thiết kế để ẩn mình trước radar băng tần X, nhưng không thực sự hiệu quả trước các radar như Voronezh-SM.

Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)