Thế giới

Nỗ lực khắc chế tăng T-14 Armata của Đức

Bộ Quốc phòng Đức vừa công bố kế hoạch chế tạo xe tăng Leopard 3 để khắc chế tăng T-14 Armata. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Nga xem thường.

Bộ Quốc phòng Đức vừa công bố kế hoạch chế tạo xe tăng Leopard 3 để khắc chế tăng T-14 Armata. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Nga xem thường.

Hiện nay, Đức và Pháp hiện đang chuẩn bị để phát triển loại xe tăng chủ lực mới, Leopard 3 để thay thế cho phiên bản loại cũ Leopard 2 trong khoảng từ nay đến năm 2030.

Bộ quốc phòng Đức đã thông báo các kế hoạch của họ về "Leo 3" (vì nó chắc chắn được đặt tên theo tiếng Đức) để thay thế loại tăng chủ lực của nước này, chiếc Leopard 2. Lý do chính của việc hiện đại hoá loại tăng này được cho là vì tuổi thọ của Leopard 2, mà sẽ hết hạn vào năm 2030.

Tuy nhiên, truyền thông Đức đã cho rằng lý do thực sự nằm trong bài phân tích được trình bày mới đây bởi lực lượng tình báo liên bang Đức (BND) về việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của Nga và cuộc trình diễn trong ngày 9/5/2015.

Tuy nhiên, ngay khi Đức công khai kế hoạch này, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nhận định rằng tăng Leopard-3 của châu Âu chỉ có thể xuất hiện sớm nhất sau 15 năm nữa và có thể lâu hơn nữa.

Tăng T-14 Armata của Nga.


TASS dẫn bình luận của Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin về những thông báo trên các phương tiện truyền thông cho hay Pháp và Đức đang chuẩn bị sản xuất tăng Leopard 3 - câu trả lời cho siêu tăng T-14 Armata của Nga.

Phó Thủ tướng Rogozin tuyên bố rằng điều đó chỉ xảy ra sau 15 năm nữa và ngành xây dựng xe tăng Nga, dù sao, cũng vẫn luôn đi trước một bước.

"Người Pháp và người Đức nói rằng họ sẽ chế tạo được xe tăng kiểu như T-14 Armata vào năm 2030 - tức là phải sau 15 năm nữa", hãng TASS dẫn lời ông Rogozin nói đồng thời cho biết thêm: "Ngành xây dựng xe tăng Nga ngay từ thời T-34 đã luôn đi trước một bước".

Theo ông Dmitry Rogozin, nếu kế hoạch của châu Âu được thực hiện thuận lợi và sau 15 năm nữa chiếc xe tăng Leopard 3 đầu tiên đi vào hoạt động, tại thời điểm đó ngành công nghiệp sản xuất xe tăng của Nga đã tiến rất xa và lúc đó, có thể T-14 Armata đã có phiên bản hiện đại hơn.

Theo phân tích của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND), mặc dù xe T-14 Armata trong cuộc diễu binh hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên khi hoàn thiện, nó sẽ trở thành một trong những chiến xa có hỏa lực mạnh nhất khiến những dòng tăng chiến đấu chủ lực của châu Âu trở nên "lạc hậu".

Giải pháp tình thế

Do chương trình Leopard 3 mới nằm trên giấy, Bộ Quốc phòng Đức đã buộc phải cân nhắc mua dòng xe tăng MBT Revolution làm giải pháp tình thế - loại xe tăng được cho là có khả đối đầu với T-14 Armata.

Theo Bộ Quốc phòng Đức tiết lộ, MBT Revolution do tập đoàn Rheinmetall chế tạo không phải là một xe tăng mới, mà là một phiên bản nâng cấp của xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4.

Trong khi đó, Tạp chí Rossiyskaya Gazeta cho biết, gói nâng cấp mô-đun toàn diện này sẽ giúp xe tăng có khả năng tự vệ tốt hơn, một hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số nâng cấp và hỏa lực mạnh hơn.

Xe tăng MBT Revolution.


Theo đó, sức mạnh hỏa lực của MBT Revolution nằm ở khẩu pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm / L55, hiện tại đó là khẩu pháo tăng tốt nhất trong dòng họ Leopard 2, có độ chính xác và tầm bắn xa hơn các phiên bản cũ.

Pháo 120mm này có thể tiêu diệt mục tiêu được che chắn đằng sau chướng ngại vật lẫn trong các kiến trúc kiên cố cũng như tấn công lính bộ binh, xe thiết giáp và trực thăng bay thấp. Mỗi chiếc MBT Revolution có thể mang 42 viên đạn pháo, trong đó 15 viên đặt trong tháp pháo để sẵn sàng sử dụng, những viên còn lại để trong khoang xe.

Trong khi đó, T-14 Armata sở hữu 1 pháo nòng trơn 125 mm 2A8201M, cơ số đạn 40 viên, trong đó 32 viên tự động nạp đạn (Nga còn có kế hoạch trang bị loại pháo cỡ nòng 152mm cho tăng T-14). Như vậy, về kích thước pháo chính và cơ số đạn của 2 loại tăng này là tương đương nhau.

Ngoài ra, cả T-14 Armata và MBT Revolution đều được trang bị hệ thống súng máy hạng nặng. Theo đó, hệ thống hỏa lực của T-14 ngoài pháo 125 mm chỉ được trang bị thêm 1 súng máy điều khiển từ xa 7,62 mm PKTM (cơ số 2.000 viên đạn).

Trong khi đó, ngoài pháo 120mm, MBT Revolution còn được trang bị 1 súng máy đồng trục cỡ 7,62mm và 1 súng máy cỡ 12,7mm đặt trên nóc tháp pháo, khẩu súng máy này gắn vào giá điều khiển từ xa cho phép xạ thủ có thể khai hỏa từ trong xe. Rõ ràng, về phân khúc này, T-14 Armata tỏ ra yếu thế hơn hẳn trước MBT Revolution.

Ngoài hỏa lực, hệ thống phòng vệ của MBT Revolution cũng tỏ ra không hề thua kém T-14 Armata. Theo đó, MBT Revolution có thể hoạt động trong tác chiến đô thị, các cuộc xung đột cường độ thấp lẫn trong chiến tranh quy mô lớn. Để làm được điều đó, MBT Revolution được tăng cường thêm giáp bị động, có thể bảo vệ 360 độ trước các loại tên lửa chống tăng lẫn đạn RPG, giáp bảo vệ hai bên thành xe.

Thân xe được tăng cường để đối phó với các loại thiết bị nổ tự chế (IED) và mìn vốn đang nổi lên như một vũ khí lợi hại trong các cuộc chiến tranh gần đây. Giáp của MBT Revolution dạng module hóa, tức là các thành phần hư hỏng sẽ dễ dàng được thay thế ngay cả trong điều kiện dã chiến.

Trong khi đó, T-14 Armata được trang bị hệ thống phòng vệ tích cực Afghanit, hệ thống bảo vệ bán cầu trên, hệ thống bảo vệ quang - điện tử và một tổ hợp chế áp tín hiệu radio. Tấm chắn mìn ở phía trước, bên dưới vị trí ngồi của kíp xe. Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch cho Armata radar sử dụng công nghệ tương tự radar của siêu tiêm kích Sukhoi T-50.

Tuy nhiên, tất cả những công nghệ trên mới chỉ được Nga công bố và chưa hề có thông tin về bất cứ cuộc thử nghiệm nào. Vì vậy, khả năng tăng MBT Revolution hạ được T-14 Armata của Nga là hoàn toàn có thể.
 
>> Lo sợ Armata, Pháp hiện đại hóa tăng chủ lực Leclerc
>> Tăng Armata có thể được xuất khẩu vào năm 2020
>> Siêu tăng Armata Nga mạnh gấp 40% tăng Abrams Mỹ

Theo Mỹ Đức (Đất Việt)