Tờ báo India Today dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ đăng tải ngày 11-4 cho biết, do quá trình đàm phán hợp đồng mua 36 máy bay chiến đấu Rafale với Pháp trị giá tới 9 tỷ USD bị đình trệ,
Tờ báo India Today dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ đăng tải ngày 11-4 cho biết, do quá trình đàm phán hợp đồng mua 36 máy bay chiến đấu Rafale với Pháp trị giá tới 9 tỷ USD bị đình trệ, New Delhi đã tính tới phương án mua máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet hoặc F-16 Super Viper với hãng chế tạo Mỹ Boeing, nếu hợp đồng với phía Pháp đổ vỡ...
Cụ thể, giới chức quân sự cấp cao Ấn Độ đã có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo hãng chế tạo Mỹ Boeing và Lockheed Martin về khả năng tổ chức dây chuyền lắp ráp máy bay F/A-18, F-16 hoặc cả hai loại trên tại Ấn Độ. Căn cứ vào năng lực của ngành quốc phòng nội địa, phía Ấn Độ sẽ được tham gia dây chuyền lắp ráp trên theo khuôn khổ chương trình “Hãy chế tạo ra chúng tại Ấn Độ”.
 

Máy bay chiến đấu F16 fighting falcon do hãng Lock Martin chế tạo. Ảnh minh họa.

 
Tuy nhiên, nguồn tin trên không công bố chi tiết thông tin về tổng chi phí của chương trình hay mức độ công nghệ phía Ấn Độ được chuyển giao.
 
Trong tháng 2-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tuyên bố, hợp đồng mua 36 máy bay Rafale với phía Pháp đang bị đình trệ do bất đồng về tổng chi phí hợp đồng.
 
Trong khi phía Ấn Độ tuyên bố chỉ sẵn sàng chi trả 9,97 tỷ USD cho hợp đồng mua máy bay Rafale, thì phía Pháp cho rằng giá trị của hợp đồng này theo các yêu cầu của phía Ấn Độ sẽ bị bội chi, tăng lên mức 13,32 tỷ USD. Việc đàm phán đi vào bế tắc khi không bên nào chịu nhượng bộ. Theo dự kiến ban đầu của phía Ấn Độ, tổng mức chi phí của hợp đồng mua máy bay Rafale, bao gồm cả các hợp đồng phụ về vũ khí và dịch vụ hậu cần…, không vượt quá 8,3 tỷ USD.
 
Hồi tháng 1-2016, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng xác nhận, Paris và New Delhi đang có những “khác biệt nhỏ” liên quan tới hợp đồng cung cấp máy bay Rafale. Tuy nhiên, cả lãnh đạo Ấn Độ và Pháp đều tuyên bố, những bất đồng trên sẽ được giải quyết sớm.
 
Trong khi đó, đại diện Lockheed Martin tại Singapore Airshow 2016 đã tiết lộ thông tin về khả năng đàm phán với phía Ấn Độ để thành lập liên doanh lắp ráp máy bay F-16 Fighting Falcon tại đây. Đây là động thái mở đường cho khả năng “đánh bật” hợp đồng cung cấp máy bay Rafale của Pháp tại quốc gia Nam Á này.
 
Theo Tuấn Sơn (Qdnd.vn)