Thế giới

Phóng viên BBC bị trục xuất khỏi Triều Tiên vì “tội” tác nghiệp trái phép

Một phóng viên hãng thông tấn BBC nằm trong số những phóng viên nước ngoài tới Triều Tiên để đưa tin về Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên đã bị nước này bắt giữ và trục xuất vì “tội” tác nghiệp trái phép.

Một phóng viên hãng thông tấn BBC nằm trong số những phóng viên nước ngoài tới Triều Tiên để đưa tin về Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên đã bị nước này bắt giữ và trục xuất vì “tội” tác nghiệp trái phép.

Rupert Wingfield-Hayes phóng viên của hãng truyền thông BBC

BBC ngày 9/5 đưa tin, Rupert Wingfield-Hayes phóng viên của hãng truyền thông này đã bị bắt tại BBC hôm 6/5, khi đang chuẩn bị rời Triều Tiên cùng với ông Rupert là nhà sản xuất Maria Byrne và quay phim Matthew Goddard.

Theo Reuters, ông Rupert bị tách khỏi nhóm khi đến sân bay hôm 6/5. Ông không được lên máy bay và bị đưa tới một khách sạn, thẩm vấn trong 8 giờ đồng hồ vì cáo buộc thực hiện một “bài phóng sự” sai sự thật.

Theo phóng viên Stephen Evans của BBC, hiện vẫn ở Bình Nhưỡng cho biết, lãnh đạo Triều Tiên đã phật lòng vì các bài báo của ông Rupert nhấn mạnh cuộc sống tại thủ đô Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, phóng sự trên có chứa thông tin mà chính quyền Triều Tiên không ủng hộ, trong đó có đặt ra nghi vấn về tính xác thực của một bệnh viện. “Rupert bị phía an ninh Triều Tiên thẩm vấn và ký vào một biên bản”, Evans nói.

Phóng viên BBC bị trục xuất khỏi Triều Tiên vì “tội” tác nghiệp trái phép
Phóng viên ghi hình lại bài phát biểu của lãnh đạo Kim Jong-un qua các màn hình tivi ở khách sạn tại Bình Nhưỡng

Bài viết của ông Rupert có đoạn: “Thật khó để chỉ ra đâu mới thực sự là điều mà ông ta đã làm để xứng với danh hiệu Nguyên soái. Trên truyền hình nhà nước, vị lãnh đạo trẻ dường như dành phần lớn thời gian ngồi trên chiếc ghế bự để xem bắn pháo ở sườn núi”.

Giới chức Triều Tiên cho biết, ông Rupert sẽ không bao giờ được phép quay lại nước này.

Được biết, Triều Tiên đã cấp thị thực cho 128 nhà báo từ 12 quốc gia đến tham gia đưa tin về sự kiện Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, mọi hành động của các nhà báo này đều bị giám sát chặt chẽ, và cho tới sáng thứ 2, họ vẫn chưa được tiếp cận hoạt động của Đại hội đảng vốn được bắt đầu từ thứ 6 tuần trước.

Trong nghị quyết được thông qua tại sự kiện nói trên, Triều Tiên tuyên bố họ sẽ tăng cường khả năng tự vệ bằng vũ khí hạt nhân, bất chấp những biện pháp trừng phạt và nghị quyết hạn chế của Liên Hợp Quốc.

Đại hội lần thứ 7 đảng Lao động Triều Tiên khai mạc ngày 6/5 là kỳ đại hội đầu tiên sau 36 năm, với khoảng 3.000 đảng viên tham dự. Sự kiện đặc biệt của đất nước bí ẩn này được thế giới hết sức quan tâm.

Theo Hà Kim (Công Lý)