Thế giới

Singapore sẽ ra sao sau sự ra đi của Lý Quang Diệu?

Trang tin The Age của Úc đã có bài chia sẻ sau sự ra đi của cựu thủ tướng Singapore như một lời chia buồn đến nhân vật có tầm ảnh hưởng của quốc gia.

Trang tin The Age của Úc đã có bài chia sẻ sau sự ra đi của cựu thủ tướng Singapore như một lời chia buồn đến nhân vật có tầm ảnh hưởng của quốc gia. Bên cạnh đó, cũng nêu lên những hoài nghi của chính người trong cuộc về tương lai của Singapore thế nào sau thời Lý Quang Diệu.

Theo The Age, ông Lý Quang Diệu là nhân vật có tầm ảnh hưởng trên chính trường quốc tế, một người đàn ông liêm chính, đứng ngoài vòng xoáy của sự tham nhũng.

Sự quản lý và cá tính nổi trội của ông Lý góp phần vào việc đưa Singapore trở thành một nơi được thèm muốn nhất của thế giới bởi tất cả mọi thứ dường như được làm một cách siêu hiệu quả. Ông Lý đã đặt câu hỏi về cách thức các quốc gia trong khu vực theo đuổi dân chủ vào năm 1990 như thế này:

"Với một vài ngoại lệ, quá dân chủ và tự do đã không là cách quản trị tốt nhất cho các nước đang phát triển... người phương Tây coi trọng giá trị sự tự do và các quyền tự do của cá nhân. Nhưng với nền văn hóa Phương Đông, giá trị của chính phủ tôi là  trung thực, có hiệu quả và năng lực".

 
Trước khi mất, ông đã chiến đấu với căn bệnh về thần kinh khiến ông khó khăn trong việc đi lại. Trong một lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng, ông Lý đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt tại một buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng Hành Động Nhân Dân.

Ông Lý trong vai trò là Thủ tướng Singapore từ năm 1959-1990 và tiếp tục đóng vai trò là Bộ trưởng cao cấp từ năm 1990-2004 dưới thời của Thủ tướng Ngô Tác Đống, và sau đó làm Bộ trưởng cố vấn từ năm 2004-2011 dưới thời thủ tướng thứ ba của đất nước là Lý Hiển Long – con trai cả của ông.

Mối quan tâm hàng đầu của cựu thủ tướng là nền kinh tế đất nước, nơi mà Singapore có được một tiêu chuẩn sống cao hơn hẳn Anh, Mỹ và Na Uy. Năm 1960, GDP bình quân đầu người của Singapore là 427 USD/người; vào năm 2013 nó đã được tăng lên 55.000 USD/người.

Với sự làm việc không ngừng nghỉ của ông Lý, Singapore đã xây dựng sân bay, đường giao thông, mạng lưới thông tin liên lạc và hệ thống y tế tốt nhất trong khu vực. Ông thành lập một hệ thống nhà ở và lương hưu cho mỗi công dân tham gia trong các dự án.

"Chúng tôi đã có những nỗ lực phi thường để trở thành một hệ thống giao thông ổn định, chắc chắn, dễ thích nghi và có thể làm tốt hơn và rẻ hơn so với các nước láng giềng”, ông viết trong cuốn tự truyện của mình.

Sự ra đi của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu đã làm cho Singapore nghiêm túc nhìn lại hiện thực nền kinh tế của đất nước.

Ông Ernest Bower, một chuyên gia về khu vực tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Cũng giống như tất cả những người lãnh đạo vĩ đại trong quá trình xây dựng Đông Nam Á trong thời kỳ hậu thuộc địa, Lý Quang Diệu sẽ hiện diện mãi như sự tồn tại của hơi thở trong cuộc sống".

"Singapore hiện đang tìm sự thay đổi và tiên tiến nhưng họ không chắc chắn. Tôi nghĩ rằng có một chút sợ hãi và lo lắng về tất cả điều này," ông nói thêm.

Còn thủ tướng Lý Hiển Long đã thừa nhận Singapore đang trong 'điểm uốn' và phải đối mặt với một số thách thức tương tự của các nước đang phát triển, thay đổi thế hệ và các nhu cầu chuyển đổi kinh tế. "Chúng tôi đang tăng cường mạng lưới an toàn để có thể chuẩn bị cho những bất ổn phía trước," thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, tầng lớp trẻ của Singapore cũng đã bày tỏ những suy nghĩ của mình về cựu thủ tướng Lý Quang Diệu.

Carlton Tan, một nhà bình luận trẻ tuổi người Singapore tin rằng những người Singapore trẻ tuổi có nhiều cảm xúc lẫn lộn về cựu thủ tướng Lý Quang Diệu.

"Chúng tôi đồng thời yêu và ghét, tôn trọng và coi thường, trân trọng và ghét cay ghét đắng người đàn ông này," anh viết trên diễn đàn website Phóng viên châu Á.

"Chúng tôi rất biết ơn vì sự tiến bộ kinh tế trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng chúng tôi tự hỏi liệu có thực sự cần thiết phải hy sinh các quyền tự do của chúng tôi?”, anh này viết thêm: "Chúng tôi rất biết ơn đối với sự ổn định và an ninh của đất nước, nhưng chúng tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể duy trì nó như là một xã hội dân chủ mạnh mẽ".
 
>> Việt Nam gửi điện chia buồn ông Lý Quang Diệu từ trần
>> Xe đưa linh cữu ông Lý Quang Diệu về dinh tổng thống
>> Bí quyết tuyển dụng nhân tài của Lý Quang Diệu
Theo Thảo Hương (Một Thế Giới)