Thế giới

Tên lửa Trung Quốc rơi xuống Trái Đất không kiểm soát

Phần còn lại của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B trở thành rác vũ trụ nặng 17,8 tấn rơi xuống Trái Đất vào ngày hôm qua 11/5 trong tình trạng mất kiểm soát.

Tờ Live Sience dẫn lời ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn và theo dõi vật thể quỹ đạo của Harvard, cho biết xác tên lửa Trường Chinh 5B là rác vũ trụ nặng nhất rơi xuống trái đất trong gần 3 thập kỷ.

Lần cuối cùng một vật thể nặng hơn rơi xuống trái đất theo cách không kiểm soát là năm 1991, khi trạm vũ trụ Salyut-7 của Liên Xô nặng 39.000 tấn quay trở lại khí quyển ở Argentina. 

Tên lửa Trung Quốc rơi xuống Trái Đất không kiểm soát
Mô phỏng đường đi của tên lửa Trường Chinh 5B trên đoạn cuối quỹ đạo hôm 11/5. Nó tái nhập bầu khí quyền ở phía bắc Đại Tây Dương, gần bờ biển Tây Phi.

Theo đó, vào ngày 5/5, tên lửa Trường Chinh 5B, chiều dài 54m, đã rời bệ phóng ở bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, mang theo nguyên mẫu tàu vũ trụ thử nghiệm của Trung Quốc lên quỹ đạo.

Sau gần một tuần xoay quanh địa cầu, phần thân của tên lửa, đường kính 5m, đã rơi xuống Trái đất.

Trong quá trình tiến nhập khí quyển, nó dường như vẫn duy trì được khối lượng đáng kể trước áp lực ma sát khổng lồ của “lá chắn” bảo vệ địa cầu, và rơi xuống Đại Tây Dương, nhiều khả năng ngoài bờ Tây Phi, theo Tạp chí Forbes dẫn nguồn quân đội Mỹ.

Theo Spaceflight Now, tên lửa Trung Quốc bay theo quỹ đạo nằm giữa hai vĩ tuyến 41,1 bắc và nam, có nghĩa là việc tái nhập bầu khí quyển có thể xảy ra ở cả các địa điểm xa về phía bắc như New York lẫn các địa điểm xa về phía nam như Wellington, New Zealand.

Song cuối cùng, bất cứ thành phần nào của vật thể không bị đốt cháy trên không dường như đều rơi xuống biển, cách xa các khu dân cư.

Trung Quốc dự tính phóng ít nhất 3 tên lửa Trường Chinh 5B trong năm 2021 và 2022, để chở các bộ phận cho trạm không gian của nước này. Do đó, các vụ tái nhập bầu khí quyển không kiểm soát khác có thể xảy ra trong vài năm tới.

HL (Nguoiduatin.vn)