Thế giới

Thông điệp năm mới: Bà Merkel 'trách' Tổng thống Trump

Trong thông điệp năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức sẽ phải đảm nhận vai trò lớn hơn trong các cuộc khủng hoảng quốc tế, trong khi Thủ tướng Pháp lên án phần tử cực đoan trong biểu tình "Áo Ghi-lê vàng".

Không hề nhắc tới tên Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thông điệp năm mới, thế nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như nhằm vào ông chủ Nhà Trắng khi bà tuyên bố rằng Đức sẽ phải đảm nhận vai trò lớn hơn trong các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Trong bài phát biểu năm mới, nữ thủ tướng Đức chỉ ra sức ép mà hợp tác quốc tế đang phải gánh chịu.

Thông điệp năm mới: Bà Merkel 'trách' Tổng thống Trump
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu thông điệp năm mới trên truyền hình. Ảnh: Reuters

Dù không cung cấp bất cứ dẫn chứng cụ thể nào nhưng bà Merkel dường như đang đề cập tới mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu trong những tháng gần đây.

"Trong tình hình như vậy, chúng ta phải ủng hộ, tranh luận và đấu tranh cho niềm tin của chúng ta"- Thủ tướng Đức nhấn mạnh. "Vì lợi ích riêng của chúng ta, chúng ta phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn nữa".

Sau đó, bà Merkel nêu rõ Đức sẽ bảo vệ "các giải pháp toàn cầu" khi nước này gia nhập Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong vài trò thành viên không thường trực bắt đầu từ 1-1.

Nữ lãnh đạo sẽ chấm dứt vai trò Thủ tướng Đức vào năm 2021 nói thêm rằng Đức sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động viện trợ và trợ giúp nhân đạo và phát triển cũng như gia tăng chi tiêu quốc phòng. Đồng thời, bà khẳng định Berlin sẽ hành động để Liên minh châu Âu (EU) mạnh mẽ hơn và thúc đẩy quan hệ với Anh.

Trong năm 2018, bà Merkel và Tổng thống Trump đã tranh cãi trong nhiều vấn đề chính sách đối ngoại cũng như các vấn đề trong nước của Đức.

Thông điệp năm mới: Bà Merkel 'trách' Tổng thống Trump - 1
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Quebec - Canada hôm 9-6. Ảnh: REUTERS

Berlin trước đó từng nói rằng Tổng thống Trump đang tìm cách phá bỏ trật tự toàn cầu đã hình thành sau Thế chiến II.

"Bài học của Thế chiến II là tạo ra một khung hoạt động đa phương"- bà Merkel nói tại Bundestag (Quốc hội Đức) hồi tháng 11-2018. Nữ thủ tướng giải thích rằng Liên Hiệp Quốc cho phép các nước làm việc với nhau để giải quyết vấn đề, thay vì chống lại nhau.

Tại Thượng đỉnh NATO ở Brussels mùa hè năm rồi, bà Merkel tranh cãi với Tổng thống Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích Đức đóng góp "quá ít" cho phòng thủ châu Âu và ông nói rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu là "con tin của Nga" bởi sự phụ thuộc của Berlin vào nguồn cung cấp năng lượng của Moscow.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dùng bài phát biểu đêm Giao thừa truyền thống của mình để cảnh báo tới các phần tử cực đoan trong những người biểu tình chống chính phủ.

Tổng thống Pháp cho rằng sự giận dữ là gốc rễ của phong trào biểu tình "Áo Ghi-lê vàng" và nó cho thấy nước Pháp không cam chịu và muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, dù không nêu tên tuổi nhưng nhà lãnh đạo Pháp lên án những phần tử cực đoan tìm cách lên tiếng trên danh nghĩa người dân.

Tổng thống Macron khẳng định: "Chúng tôi có thể làm tốt hơn và cần làm tốt hơn". Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi người Pháp "chấp nhận thực tế" rằng việc gia tăng chi tiêu chính phủ không phải câu trả lời cho các vấn đề kinh tế của đất nước.

Theo Đỗ Quyên (Nld.com.vn)