Thế giới

Tổng thống thân TQ thất cử, Maldives vẫn đối mặt 'bẫy nợ' Bắc Kinh

Các dự án đã xúc tiến dưới thời tổng thống thân Trung Quốc vừa thất cử sẽ trở thành gánh nặng cho chính quyền mới tại Maldives và các khoản nợ đối với Trung Quốc vẫn còn đó.

Maldives, quốc gia Ấn Độ Dương nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng ven biển và 1.190 rạn san hô, đã nhiều năm chìm trong khủng hoảng kể từ khi tổng thống dân cử đầu tiên của nước này bị lật đổ trước họng súng. Những năm trở lại đây, đảo quốc bé nhỏ ở Ấn Độ Dương bỗng được nhắc đến với tầm quan trọng về địa chính trị đối với cả Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ khi nó nằm trên đường biển nối Trung Đông với Đông Á.

Trong cuộc bầu cử hôm 23/9, Tổng thống Abdulla Yameen, người nổi tiếng thân Trung Quốc, bất ngờ thất cử trước ứng viên đối lập Ibrahim Mohamed Solih, lãnh đạo 54 tuổi của đảng Dân chủ Maldives.

Trong bài viết trên Nikkei Asian Review, Brahma Chellaney, nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế sống tại New Delhi, Ấn Độ, nói rằng cuộc bầu cử lần này có thể sẽ mở ra con đường mới ổn định và hàn gắn. Thế nhưng, dù vị tổng thống thân Trung Quốc đã ra đi, di sản ông để lại sẽ là khoản nợ công khổng lồ đối với Trung Quốc và Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ bắt tay vào việc thiết lập ảnh hưởng đối với chính quyền mới.

Tổng thống thân TQ thất cử, Maldives vẫn đối mặt 'bẫy nợ' Bắc Kinh
Ứng viên đối lập Ibrahim Mohamed Solih, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Maldives và sẽ nhậm chức vào tháng 11 này.

Sức ép từ Washington và New Delhi

Với dân số chỉ 450.000 người, Maldives là một đảo quốc bé nhỏ nhưng tọa lạc ở vị trí chiến lược trên tuyến đường biển quan trọng và có vai trò thiết yếu đối với an ninh Ấn Độ Dương. Sự ra đi của một tổng thống thân Bắc Kinh, theo ông Chellaney, sẽ là một thiệt hại đối với Trung Quốc trong tham vọng xây dựng ảnh hưởng chính trị và hàng hải tại Ấn Độ Dương, cũng như một chiến thắng cho các lực lượng dân chủ địa phương lẫn Ấn Độ và Mỹ.

Ấn Độ được cho là bá chủ truyền thống của Ấn Độ Dương còn Mỹ có một căn cứ hải quân đặt tại Diego Garcia, lãnh thổ hải ngoại của Anh và nằm ở phía nam của Maldives. 

Tổng thống thân TQ thất cử, Maldives vẫn đối mặt 'bẫy nợ' Bắc Kinh - 1
Vị trí của Maldives nằm giữa Ấn Độ Dương. Đồ họa: Encyclopedia Britannica

Ấn Độ có truyền thống xem Maldives là sân sau. Khi Trung Quốc hậu thuẫn cho Tổng thống Yameen lên nắm quyền vào năm 2013, New Delhi mới bắt đầu quan ngại về ảnh hưởng bị xói mòn và việc Bắc Kinh có thể thuê được căn cứ hải quân ở Maldives, hoàn thành chiến lược "bao vây" Ấn Độ.

Hồi tháng 2, Tổng thống Yameen đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bắt giam các thẩm phán của Tòa Tối cao sau khi tòa bác bỏ bản án dành cho 9 người đối lập. Phe đối lập tại Maldives đã kêu gọi Ấn Độ can thiệp quân sự. New Delhi đáp lại bằng việc triển khai tàu chiến đến, gây áp lực lên ông Yameen nhưng một cuộc can thiệp quân sự như năm 1988 đã không xảy ra. 

Việc can thiệp quân sự vào lúc đó sẽ rất nguy hiểm cho New Delhi vì không chính quyền chính danh nào của Maldives chào đón việc Ấn Độ gửi quân. 

Cuộc bầu cử còn là một thắng lợi cho chính quyền Tổng thống Donald Trump, những người đang lo lắng về ảnh hưởng tăng dần của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và đã công bố chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở" như một phương án đối phó.

Trong tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vừa có cuộc gặp 2+2 với những người đồng cấp Ấn Độ. Mỹ cũng vừa đổi tên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi tháng 5.

Ông Chellaney cũng lưu ý rằng trong cuộc "lật đổ" tại Maldives, áp lực từ các lực lượng dân chủ đã đóng vai trò quan trọng, bao gồm cả "bóng ma" về một cuộc can thiệp của quân đội Ấn Độ. Mỹ đã cảnh báo về "các biện pháp phù hợp" trong khi Liên minh châu Âu đe dọa sẽ trừng phạt Maldives nếu cuộc bầu cử diễn ra không tự do và công bằng.

Trong lúc Tổng thống Yameen chần chừ chưa tuyên bố thất bại, Washington đã yêu cầu ông phải "tôn trọng ý chí của người dân" còn Ấn Độ đã đơn phương và nhanh chóng chúc mừng người chiến thắng, ông Solih.

Sự thất bại của ông Yameen cho thấy việc cử tri có thể lật đổ một tổng thống có xu hướng độc tài như thế nào bất chấp truyền thống dân chủ non trẻ tại đất nước đó. Cuộc bầu cử hôm 23/9 tại Maldives đã diễn ra tương tự cuộc bầu cử hồi tháng 3 ở Malaysia hay tại Sri Lanka vào năm 2015. Ở cả hai nơi, những lá phiếu của người dân đã hạ bệ những lãnh đạo theo đường hướng thân Trung Quốc.

Tổng thống thân TQ thất cử, Maldives vẫn đối mặt 'bẫy nợ' Bắc Kinh - 2
Vào tháng 2, sau khi ra lệnh bắt giữ các thẩm phán Tòa án Tối cao, một số thành viên của phe đối lập, một số đối thủ chính trị và cựu tổng thống, Tổng thống Abdulla Yameen phát biểu: Lỗi thuộc về những người kia (phe đối lập). Trong ảnh, một phụ nữ ở bên ngoài Tòa Tối cao Maldives hồi tháng 2, sau khi các thẩm phán bị bắt giữ.

Tổng thống ra đi, nợ công còn đó

Thế nhưng ở cả 3 nơi, Malaysia, Sri Lanka và cả Maldives, chính quyền mới sẽ nhậm chức trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc đã ăn sâu vào nền kinh tế và tác động đến chính trường.

Tổng thống Yameen của Maldives, người sắp phải rời nhiệm sở, đã ký những thỏa thuận đầu tư và tài chính lớn với Bắc Kinh và được cho có nhận hỗ trợ tài chính của Trung Quốc để tái tranh cử. Trong khi đó, giới chức Malaysia đang điều tra liệu Trung Quốc có giúp đỡ chiến dịch tranh cử của cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak hay không; New York Times cũng đưa tin một công ty nhà nước Trung Quốc hỗ trợ chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa.

Sự kiện tại Maldives diễn ra đồng thời với làn sóng cưỡng lại sáng kiến Vành Đai, Con Đường của Bắc Kinh với cáo buộc rằng các khoản đầu tư hạ tầng từ tiền của Trung Quốc đang gây ra nhiều "bẫy nợ" cho những quốc gia dễ bị tổn thương.

Tổng thống sắp phải rời khỏi chức vụ, ông Yameen, là một người sớm ủng hộ sáng kiến này, ông đã rộng tay chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nhiều công trình nhà ở, cầu và hạ tầng khác. Cũng chính ông đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Bắc Kinh vào cuối năm 2017. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, 18% giá trị nhập khẩu của Maldives đến từ Trung Quốc, đưa nước này vượt Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu nhiều thứ hai vào Maldives, chỉ sau Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Trung Quốc đã giành được quyền thuê đảo Feydhoo Finolhu từ Maldives với giá 4 triệu USD, còn rẻ hơn một căn hộ cao cấp ở Hong Kong. Tiền thuê hòn đảo dài 7 km Kalhufahalufushi thậm chí còn thấp hơn. Bắc Kinh thậm chí không giấu diếm ý đồ chiến lược khi đã hé lộ ý định gửi tàu tuần dương tới Maldives.

Ông Chellaney nhận định rằng chiến thắng của phe đối lập tại Maldives không che giấu đi thực tại là họ sẽ phải đối phó rất khó khăn với các lực lượng Hồi giáo và món nợ với Trung Quốc.

Tại Maldives, dù không ký thêm hợp đồng với Trung Quốc, khoản nợ của họ với Bắc Kinh vẫn tăng lên vì các dự án đã xúc tiến. Reuters dẫn số liệu từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một viện nghiên cứu tại Washington D.C. đang theo dõi sáng kiến Vành Đai, Con Đường, ước tính khoản nợ của Trung Quốc với Maldives ở mức 1,3 tỷ USD, hơn 1/4 GDP nước này.

Tổng thống thân TQ thất cử, Maldives vẫn đối mặt 'bẫy nợ' Bắc Kinh - 3
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Abdulla Yameen ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào năm 2017.

Câu hỏi hiện tại là liệu quốc gia này có thể thoát khỏi "bẫy nợ" của Trung Quốc (như cách tân thủ tướng Malaysia đã hủy bỏ các dự án Trung Quốc) không hay họ đã nợ nhiều đến mức phải tiếp tục phụ thuộc vào Bắc Kinh, như ví dụ của Sri Lanka nơi mà chính quyền mới đã tiếp quản đất nước với số nợ họ không thể trả và phải chấp nhận cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược trong 99 năm.

Trong khi đó, ông Challeney nói rằng đối với Ấn Độ, nước này sẽ có nhiều việc phải làm hơn là chỉ giúp đỡ vun đắp nền dân chủ vừa được phục hồi. New Delhi sẽ phải hỗ trợ chính quyền mới trong các dự án phát triển hạ tầng, giải quyết các món nợ nước ngoài, đặc biệt là đương đầu các khoản tín dụng từ Bắc Kinh.

New Delhi có thể phải lo lắng sự có mặt của người Ấn có thể kích hoạt tinh thần dân tộc và tăng cường sức mạnh cho các lực lượng Hồi giáo ở Maldives, trong lúc nước này vốn đã là nơi có tỷ lệ binh sĩ chiến đấu cho các nhóm khủng bố ở Syria và Iraq tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức về kết quả bầu cử, nhưng các nhà quan sát nhận định thất bại của ông Yameen là một cú sốc với Bắc Kinh.

Chuyên gia Challeney nhận định Bắc Kinh sẽ nhanh chóng tiếp cận tổng thống tân cử, người nhậm chức vào tháng 11 này, như cách họ đã tiếp cận Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena lúc ông lên nhậm chức hồi năm 2015. Ông cho biết Trung Quốc đã "tặng" ông 300 triệu USD cho "bất kỳ dự án gì tôi thích" cùng việc xây dựng bệnh viện trị bệnh thận lớn nhất Đông Á tại quê hương ông.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)