Thế giới

Ukraine muốn Thổ Nhĩ Kỳ cấm tàu Nga qua eo biển Bosporus

Tư lệnh Hải quân Ukraine dẫn Công ước Montreux để cấm các tàu Nga qua Bosporus trong khi Moskva nói đề nghị này không có cơ sở pháp lý.

Ukraine muốn Thổ Nhĩ Kỳ cấm tàu Nga qua eo biển Bosporus
Một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của Nga đi qua eo biển Bosporus. Ảnh: Tass.

"Theo khoản 19 trong Công ước Montreux, chúng tôi sẽ tìm cách đóng cửa eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ để khiến người Nga hiểu hậu quả của việc vi phạm luật pháp quốc tế", Tư lệnh Hải quân Ukraine Igor Voronchenko phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev hôm nay, theo Tass.

Công ước Montreux được thông qua vào năm 1936 nhằm khôi phục chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đối với eo biển Bosporus và Dardanelles. Công ước duy trì quyền tự do đi qua eo biển đối với tàu thương mại từ tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, công ước có những quy định khác nhau đối với tàu chiến từ các nước Biển Đen và các nước không thuộc Biển Đen. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm tàu chiến đi qua nếu phát hiện chiến tranh hoặc nhận thấy mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể cấm tàu của các nước đang trong tình trạng chiến tranh đi qua eo biển ngay cả khi Ankara không tham gia xung đột.

Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng An ninh Nga Franz Klintsevich tuyên bố dự định cấm tàu Nga của Ukraine không có cơ sở pháp lý. "Về mặt pháp lý, dự định đóng eo biển Bosporus đối với tàu Nga của Kiev là vô ích. Khoản 19 trong Công ước Montreux được Tư lệnh Hải quân Ukraine Igor Voronchenko trích dẫn không liên quan đến điều này", Klintsevich nói.

"Nga không phải trong tình trạng chiến tranh với bất cứ quốc gia nào. Bằng cách phản ứng mạnh mẽ với những nỗ lực bất hợp pháp của các tàu hải quân Ukraine đi qua vùng lãnh hải của chúng tôi, lính biên phòng Nga đã hành động phù hợp với luật pháp quốc tế", quan chức Nga nhấn mạnh.

Ukraine muốn Thổ Nhĩ Kỳ cấm tàu Nga qua eo biển Bosporus - 1
Eo biển Bosphorus nối biển Marmara với Biển Đen, chia cắt phần thuộc châu Âu với phần thuộc châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: Yalta Map.

Bosphorus nằm ở vị trí đông bắc biển Marmara nối với biển Đen, kết nối 2 bờ Âu - Á. Eo biển này là một trong những đường thủy tấp nập nhất thế giới với khoảng 48.000 tàu đi qua eo biển này hàng năm, nhiều hơn 3 lần so với kênh đào Suez và 4 lần kênh đào Panama.

Nga bắt ba tàu chiến và 24 thủy thủ Ukraine ở gần eo biển Kerch hôm 25/11, cáo buộc họ xâm phạm lãnh hải và có hành động nguy hiểm. Moskva tuyên bố việc tàu cảnh sát biển nổ súng khống chế chiến hạm của Kiev là hoàn toàn hợp pháp. Trong khi đó, Ukraine nói rằng tàu của họ hoạt động đúng theo quy định quốc tế. Ukraine áp đặt thiết quân luật tại các vùng giáp biên giới Nga và gần nơi binh sĩ Nga đóng quân.

Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine hôm nay cáo buộc Nga đang ngăn cản mọi tàu thuyền tiếp cận và rời khỏi hai cảng của nước này bên bờ biển Azov. Phát biểu trước khi lên đường sang Argentina dự hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết Ankara có thể đóng vai trò hòa giải cho Moskva và Kiev.

Quan hệ giữa Moskva và Kiev xấu đi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine từ năm 2014. Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai tại tỉnh Donetsk và Lugansk, nhưng Điện Kremlin bác bỏ. Chiến sự ở Đông Ukraine đến nay vẫn kéo dài mà chưa bên nào giành được lợi thế rõ ràng.

Theo Huyền Lê (VnExpress.net)