Thế giới

Vũ khí han gỉ Nga khiến phương Tây bàng hoàng

Phương Tây buộc phải thay đổi thái độ trịch thượng cùng những đánh giá rằng bom của Nga “ngu hơn” và hải quân thì “han gỉ”.

Phương Tây buộc phải thay đổi thái độ trịch thượng cùng những đánh giá rằng bom của Nga “ngu hơn” và hải quân thì “han gỉ”.

Tờ Bình luận quân sự của Nga đánh giá chiến dịch quân sự mà nước này đang tiến hành ở Syria có 2 đặc điểm nổi bật.

Thứ nhất, Nga có cơ hội được thử nghiệm quân đội trong điều kiện của một cuộc xung đột khu vực thực sự. Các quân nhân thuộc lực lượng đường không vũ trụ và hải quân Nga được áp dụng các kỹ năng của mình không chỉ trong tập trận mà trong thực tế chiến tranh.

Bên cạnh đó, quân đội Nga đang tích cực sử dụng các loại vũ khí và công nghệ quân sự tối tân.

Đặc điểm thứ hai chính là những tác động về chính trị-quân sự của chiến dịch này. Các nước có thể quan sát lực lượng vũ trang Nga và đưa ra những kết luận về tiềm lực của Nga.

Những kết quả mà chiến dịch quân sự của Nga đạt được cho tới thời điểm này tỏ ra hết sức thú vị và thậm chí gây sốc đối với các chuyên gia nước ngoài.

Máy bay Su-24 của Nga triển khai tại Syria có vẻ ngoài cũ kỹ


Tờ The Independent của Anh hôm 30/1 có bài viết “Cuộc chiến Syria: Những thiết bị quân sự cũ gỉ của Nga là cú sốc công nghệ cao đối với phương Tây và Israel”.

Bài báo đã tổng kết những sự kiện gần đây ở Trung Đông, cố gắng đưa ra một vài kết luận về tình hình thế giới trong tương lai.

Theo bài báo, trong những năm qua, có nhiều ý kiến cho rằng lực lượng vũ trang Nga đang sở hữu những vũ khí và chiến lược lạc hậu. Bom và tên lửa của Nga trở nên “ngu” hơn, còn hải quân thì “han gỉ”. Ngay cả những tướng lĩnh quân sự của phương Tây cũng có chung ý kiến như vậy trong nhiều thập kỷ qua.

Với một thái độ “trịch thượng” trước những đồng nghiệp Nga, những gì được chứng kiến tại Syria và Ukraine đã khiến giới quân sự phương Tây bàng hoàng thực sự.

Quân đội Nga đang thể hiện khả năng hoạt động chiến đấu với cường độ cao. Ví dụ ở Syria, không quân Nga có số lần xuất kích trong một ngày đêm còn nhiều hơn những gì liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành trong một tháng!

Hải quân Nga thực hiện các đòn tấn công vào các mục tiêu ở Syria từ khoảng cách hàng chục nghìn km.

Bên cạnh đó là khả năng tổ chức của hệ thống hậu cần đáp ứng cho cụm quân triển khai ở Syria.

Hải quân Nga phóng tên lửa Kalibr từ Địa Trung Hải tiêu diệt mục tiêu của IS ở Syria


Tờ báo Anh cũng đánh giá rất cao tiềm lực phòng không của Nga khi cho rằng những hệ thống được Nga triển khai ở Syria và miền Đông Ukraine đã ngăn chặn các đòn tấn công nhằm vào quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như lực lượng đòi độc lập ở Donbass.

Ngay cả tướng lĩnh Mỹ cũng phải công khai thừa nhận thành công của Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử. Nếu trước đây có nhiều ý kiến nhận định Nga lạc hậu trong lĩnh vực này thì những sự kiện gần đây cho thấy Nga sở hữu những hệ thống vượt trội.

Nga chưa dừng lại

Nga vẫn đang tiếp tục triển khai các hệ thống phòng không khác nhau ở cả Crimea và tỉnh Kaliningrad nằm sát châu Âu. Tư lệnh không quân Mỹ ở châu Âu, Trung tướng Frank Gorenc thừa nhận những động thái của Nga đang gây ra những khó khăn nghiêm trọng đối với không quân NATO.

Tờ The Independent nói thêm rằng Nga không chỉ khiến phương Tây lo ngại mà chiến dịch quân sự của Nga ở Syria còn khiến Israel “đứng ngồi không yên”.

Lo ngại lớn nhất của Israel là các loại vũ khí hiện đại của Nga rơi vào tay Iran, nước vốn coi Israel là mối đe dọa chính.

Các loại vũ khí này cũng có thể lọt vào tay các quốc gia Arab khác có quan hệ không mấy tốt đẹp với Israel. Israel có thể mất đi sự vượt trội trên không – vốn là ưu thế của nhà nước Do Thái trước quân đội các nước láng giềng thù địch trong khu vực.

Sự can dự của Nga vào Syria đã thay đổi hoàn toàn tình hình và những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch của Tổng thống Putin.

Nga cũng đang thể hiện rõ ràng sự xích lại gần với người Kurd mà không cần để ý tới phản ứng giận giữ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một động thái quan trọng khác là Nga đang trở lại Ai Cập. Moskva và Cairo đã ký kết những thỏa thuận hợp tác với quy mô lớn nhất trong vòng 44 năm qua.

Máy bay ném bom Su-34 của Nga ở Hmeimim


Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, The Independent dẫn lời một chuyên gia tình báo Israel thừa nhận giờ đây bất kỳ quốc gia nào muốn làm “điều gì đó” ở Trung Đông đều phải đàm phán với Nga.

Tổng thống Nga Putin cũng không giấu thái độ hài lòng khi đánh giá về khả năng quân sự mới của Nga. Theo ông Putin, phương Tây đã bị thuyết phục rằng Nga sở hữu các loại vũ khí hiện đại, được khai thác tốt bởi những chuyên gia có trình độ.

Quan trọng hơn, các nước buộc phải tin rằng Nga sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí đó để bảo vệ lợi ích của mình.

Không quân Nga tại Syria trong một ngày đêm có thể xuất kích tới 96 lần, tương đương với số lần xuất kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện trong suốt một tháng!

Theo The Independent, Nga hiện đang bố trí tại căn cứ quân sự Hmeimim ở Syria cả các loại máy bay cũ và mới với tổng số lượng 34 chiếc, trong đó có: 12 Su-25, 4 Su-30SM, 12 Su-24М và 6 Su-34.

Ngoài ra còn có các loại trực thăng và máy bay không người lái với số lượng không thể xác định.

Máy bay ném bom tầm xa Su-22M3 cũng được Nga sử dụng ở Syria


Theo báo Anh, Nga tiếp tục tăng cường cường độ sử dụng máy bay ném bom Su-34. Nguyên nhân nhiều khả năng do Su-25, cựu binh trong cuộc chiến Chechnya và Gruzia, dễ bị tổn thương trước các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai. Vũ khí này đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cung cấp cho một số nhóm nổi dậy ở Syria.

Sau vụ một máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi tháng 11/2015, Nga đã tăng cường các hệ thống phòng không tới Syria, trong đó nòng cốt là các hệ thống S-400 Triumf.

Với bán kính hoạt động và tầm bắn hàng trăm km, S-400 không chỉ giúp Nga kiểm soát không phận Syria mà còn có khả năng “bao phủ” một phần không phận Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống S-400 được Nga đưa tới Syria


Các hệ thống tác chiến điện tử như Krasukha-4, có khả năng gây nhiễu radar đối phương, trong đó có cả các máy bay cảnh báo sớm, được Nga triển khai ở miền Đông Ukraine đã gây khó khăn cho NATO. Việc Nga triển khai và vận hành các hệ thống như vậy đã buộc giới quân sự nước ngoài không còn dám phát biểu “lạc quan”.

Tướng Mỹ Frank Gorenc thừa nhận Nga không hề vi phạm bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào khi phát triển các hệ thống vũ khí của mình. Việc Nga sử dụng máy bay ném bom và tên lửa có cánh tại Syria chính là để trình diễn khả năng của Moskva trong việc tác động tới tình hình ở những khu vực khác nhau, thậm chí trên toàn thế giới.

Giờ đây, Nga đã có được khả năng này và phương Tây buộc phải lựa chọn để xác định chiến lược cho những hành động tiếp theo: hoặc là khởi động một giai đoạn đối đầu mới với Nga hoặc là tìm kiếm khả năng giảm đối đầu và khôi phục quan hệ tốt đẹp.

Theo Kim Nhãn (Đất Việt)