Thế giới

Xóa sổ các tổng cục, ông Tập nắm chặt quân đội trong tay

Cuộc cải tổ lớn từ các cơ quan chỉ huy đầu não giúp ông Tập loại bỏ được các trở ngại, tăng cường quyền kiểm soát tuyệt đối và trực tiếp đối với quân đội.

Cuộc cải tổ lớn từ các cơ quan chỉ huy đầu não giúp ông Tập loại bỏ được các trở ngại, tăng cường quyền kiểm soát tuyệt đối và trực tiếp đối với quân đội.

Ông Tập Cận Bình (hàng đầu, ngồi giữa) chụp ảnh cùng chỉ huy các đơn vị mới được thành lập. Ảnh: CCTV

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố giải thể 4 cơ quan chỉ huy đầu não của quân đội nước này, thay thế bằng 15 cơ quan điều hành nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, một động thái được cho là nhằm tăng cường quyền kiểm soát tuyệt đối của ông Tập đối với quân đội, theo SCMP.

Với động thái cải tổ lớn nhất kể từ thập niên 1950, các đơn vị Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân bị của quân đội Trung Quốc đều bị xóa bỏ, thay vào đó là 7 cục, 3 ủy ban và 5 văn phòng trực thuộc Quân ủy Trung ương để đảm trách các chức năng, nhiệm vụ của những cơ quan vừa bị giải thể, CCTV cho hay.

Trong hệ thống chỉ huy trước đây của quân đội Trung Quốc, Bộ Tổng tham mưu và ba tổng cục trên là những cơ quan quyền lực nhất gần như thâu tóm mọi quyền lực đối với lực lượng vũ trang. Trong đó, Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị là những bộ phận quan trọng nhất, quản lý mọi vấn đề về tổ chức, điều hành và nhân sự của quân đội.

Trong nhiều năm, hai cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là tướng Quách Bá Hùng và tướng Từ Tài Hậu là những người nắm giữ hai cơ quan quyền lực này. Trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" chống tham nhũng do ông Tập phát động, tướng Quách đang bị điều tra về hành vi tham nhũng, còn Từ Tài Hậu đã bị khai trừ đảng cùng với tội danh này và chết vì bệnh tật trong quá trình điều tra.

Theo chuyên gia phân tích Bo Zhiyue của tờ Diplomat, với việc xóa sổ Bộ Tổng tham mưu và ba tổng cục, ông Tập đã trao cho Quân ủy Trung ương, nơi ông là người đứng đầu, quyền lực tuyệt đối với mọi vấn đề liên quan đến quân đội.

Với phương án cải tổ này, Bộ Tổng tham mưu và ba tổng cục trên đã trở thành 4 trong số 15 "cơ quan chức năng" chịu sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Quân ủy Trung ương. Trong đó, Văn phòng Quân ủy được xếp ở vị trí cao nhất, tiếp sau đó là 4 cục (Cục Tham mưu Liên hợp Quân ủy, Cục Công tác Chính trị Quân ủy, Cục Hậu cần Đảm bảo Quân ủy, Cục Phát triển Trang bị Quân ủy). Ngoài ra, còn có hai cục khác được thành lập mới là Cục Quản lý Huấn luyện Quân ủy và Cục Động viên Quốc phòng Quân ủy.

Việc Văn phòng Quân ủy được xếp phía trên 4 đơn vị được thành lập từ những bộ phận cũ là một dấu hiệu đáng lưu ý, theo chuyên gia Bo. Đây là tín hiệu cho thấy chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ kiểm soát toàn bộ quân đội thông qua Văn phòng Quân ủy, và nhiều khả năng chủ nhiệm văn phòng này sẽ là một thành viên trong Quân ủy Trung ương.

Với cấu trúc tương đương, ba ủy ban cũng được thành lập. Cơ quan kiểm tra kỷ luật của quân đội từng nằm trong Tổng cục Chính trị đã được nâng cấp thành Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy, có vị thế độc lập và tương đương với tổng cục cũ. Ủy ban Chính pháp Quân ủy được thành lập hoàn toàn mới, trong khi Ủy ban Khoa học Công nghệ Quân ủy là một hình thức khác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng trước đây.

5 văn phòng mới được thành lập cũng có vị thế tương đương với các cục và ủy ban trên. Đó là Văn phòng Quy hoạch Chiến lược Quân ủy, Văn phòng Biên chế và Cải cách Quân ủy, Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế Quân ủy, Văn phòng Kiểm toán Quân ủy, và Văn phòng Quản lý Hành chính Quân ủy.

Ông Tập thị sát một cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc. Ảnh: ChinaNews

Theo giới phân tích, nếu như người đứng đầu của các cục, ủy ban và văn phòng mới được thành lập này cùng với chỉ huy của các bộ tư lệnh mới được thành lập (Bộ Tổng tham mưu Lục quân, Lực lượng Tên lửa, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược) cùng tư lệnh hải quân và không quân đều là ủy viên Quân ủy Trung ương, nhiều khả năng số thành viên của Quân ủy Trung ương sẽ tăng từ 10 người hiện nay lên 23 người trong tương lai.

Quyền lực tuyệt đối

Theo ông Bo, với việc ông Tập là "kiến trúc sư" của cuộc đại cải tổ này, chắc chắn người đứng đầu của các cơ quan, lực lượng mới được thành lập sẽ là những tướng lĩnh thân tín, trung thành với ông.

SCMP cho rằng với vị thế là chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập sẽ càng củng cố được quyền lực của mình đối với quân đội, bởi 15 đơn vị mới được thành lập sẽ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương chứ không phải bất cứ tổ chức quân sự nào khác.

Người phát ngôn quân đội Trung Quốc Wu Qian cho hay các đơn vị mới thành lập này sẽ trở thành "những tổ chức tư vấn, thừa hành và phục vụ cho Quân ủy Trung ương".

Ni Lexiong, chuyên gia phân tích quân sự tại Thượng Hải, nhận định động thái cải tổ này của ông Tập sẽ giúp các đơn vị mới tập trung vào nhiệm vụ của mình và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. "Việc san bằng cấu trúc quyền lực giữa các đơn vị giúp họ thực thi ý chí của Quân ủy Trung ương nhanh chóng và hiệu quả hơn", ông nói.

Theo giới phân tích, những động thái gần đây nhất của ông Tập đã thể hiện rõ quyết tâm thay đổi triệt để quân đội, hoàn toàn khác với phong cách lãnh đạo của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, người được cho là không nắm giữ được nhiều quyền lực trong Quân ủy Trung ương. Phải hai năm sau khi nhậm chức chủ tịch nước, ông Hồ Cẩm Đào mới được tiếp nhận vị trí chủ tịch Quân ủy Trung ương từ người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, SCMP cho hay.

Trong một bài viết đăng hồi tháng 3/2015, tờ báo này dẫn các nguồn tin cho biết cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bị hai thuộc cấp là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu lấn lướt trong Quân ủy Trung ương. Ông Tập Cận Bình khi đó là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương thứ ba và "chứng kiến hai người đồng cấp thao túng mọi công việc của quân đội ngay trước mắt ông Hồ Cẩm Đào", các nguồn tin tiết lộ với tờ báo Hong Kong.

Đây được cho là một trong những lý do khiến ông Tập quyết tâm cải tổ và tăng cường quyền kiểm soát đối với quân đội thông qua Quân ủy Trung ương. Trong cuộc họp với chỉ huy các đơn vị mới được thành lập hôm thứ hai, ông Tập đã kêu gọi các tướng lĩnh này trung thành và tuân thủ sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như Quân ủy Trung ương.

Cuộc cải tổ sẽ giúp ông Tập kiểm soát chặt chẽ hơn quân đội hơn hai triệu người. Ảnh: Reuters

Ông Tập cho rằng cuộc cải tổ này là một "bước ngoặt" trong lịch sử quân đội Trung Quốc, và hệ thống cấu trúc chỉ huy mới do ông xây dựng sẽ là "một bước quan trọng" hướng tới xây dựng một quân đội mạnh hơn, sẵn sàng "giành chiến thắng trong các cuộc chiến".

Cùng với việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức, cấu trúc chỉ huy, ông Tập nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cường quyền lực của mình đối với quân đội thông qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Theo chuyên gia phân tích Chen Daoyin ở Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong công cuộc cải tổ này.

Chuyên gia Chen cho rằng một trong những mục tiêu trong chiến dịch cải tổ của ông Tập là đảm bảo tất cả các vị trí cao nhất trong quân đội đều được đảm đương bởi những người trung thành với Quân ủy Trung ương, hoặc với ông.

Hôm thứ ba, các tờ báo lớn của Trung Quốc dẫn bài phát biểu của ông Tập, kêu gọi các tân chỉ huy quân đội "trung thành, liêm khiết và trách nhiệm", rút bài học từ những vụ "ngã ngựa" của tướng Quách và tướng Từ, đồng thời phải tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng.

"Thông qua các bước cải tổ quyết liệt, ông Tập đang tạo ra một quân đội của riêng mình", chuyên gia Bo nhấn mạnh.
 
>> Quân đội Trung Quốc bổ nhiệm 3 tư lệnh
>> Vì sao quân đội Trung Quốc chuyển đổi theo mô hình Mỹ?
>> Quân đội Trung Quốc sẽ quy hoạch thành 5 vùng chiến lược

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)