Thể thao

Có nên giữ luật bàn thắng sân khách tại Champions League?

Luật bàn thắng trên sân khách ngày càng bộc lộ những bất cập và nhiều vị HLV đã bày tỏ quan điểm nên dẹp bỏ luật này.

Luật bàn thắng trên sân khách ngày càng bộc lộ những bất cập và nhiều vị HLV đã bày tỏ quan điểm nên dẹp bỏ luật này.

Kết quả nào là tốt nhất cho đội chủ nhà ở trận lượt đi vòng knock out? Chúng ta đều có câu trả lời: đó nhất thiết không phải một thất bại nặng nề.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Trường quản lý – Đại học Liverpool vừa đưa ra một cái nhìn sâu sắc hơn khi họ phân tích định lượng "tầm ảnh hưởng của luật bàn thắng trên sân khách" và chỉ ra kết quả trận lượt đi sẽ ảnh hưởng thế nào đến cơ hội đi tiếp của đội chủ nhà.

Dựa trên kết quả của 6.975 trận đấu knock-out Champions League, Europa League và các giải tiền thân của 2 giải trên từ những năm 1960 đến mùa giải 2012/2013, họ khẳng định tầm quan trọng của các trận đấu trên sân nhà giảm dần theo thời gian.

Arsenal gần như hết cơ hội sau khi thua trắng Barcelona trên sân nhà. Ảnh: Getty.

Trong giai đoạn từ mùa 1965/1966 đến 1980/1981, 56,2% các trận đấu lượt đi kết thúc với chiến thắng dành cho các đội chủ nhà. Con số này giảm xuống còn 46,1% từ mùa 1997/1998 đến 2012/2013.

Kết quả trên không phải là một điều ngạc nhiên. Nó phản ánh những gì đang diễn ra tại các giải đấu ở châu Âu. Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra, bao gồm: sự chính xác hơn trong các quyết định của trọng tài, những cải tiến trong việc di chuyển giúp các cầu thủ tránh được sự mệt mỏi.

Sau đó các nhà nghiên cứu đưa ra một câu hỏi khác: Điều gì xảy ra nếu đội chủ nhà để thủng lưới một bàn? Câu hỏi này khiến chúng ta nhớ lại trận đấu giữa Arsenal và Barcelona. Trong 70 phút đầu tiên, thế trận cân bằng được duy trì. Nhưng sau đó, Arsenal chơi có phần mạo hiểm và phải nhận bàn thua đầu tiên. Vài phút sau, Messi có quả penalty nhân đôi cách biệt cho Barcelona. Trận đấu kết thúc.

Trước trận đấu, Wenger đã cảnh báo “nếu bạn để thủng lưới 1 bàn trên sân nhà tại Champions League, điều đó chẳng khác nào nhát dao khứa vào tim bạn”. Ông cho biết thêm: “Tuy nhiên, 1 trận hòa 0-0 không phải là một kết quả tệ.”

Sau trận đấu, chiến lược gia người Pháp đã cảm thấy rất thất vọng khi đội bóng của ông bị chê là “ngây thơ”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng thực tế Wenger đã có thể làm điều gì đó.

Theo những dữ liệu trong quá khứ, họ khẳng định nếu 2 đội bóng thi đấu ngang bằng và trận lượt đi kết thúc với kết quả hòa 0-0, đội chủ nhà sẽ có 46,7% khả năng đi tiếp. Nếu đội chủ nhà thắng 1-0, cơ hội của họ sẽ là 63,5%. Còn nếu họ nhận thất bại 0-1, khả năng đi tiếp sẽ còn là 12,5%.

Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh nếu kết quả ở trận lượt đi là 2-1 nghiêng về đội chủ nhà, đây sẽ là kết quả tạo ra sự cân bằng nhất ở trận lượt về khi cơ hội đi tiếp của họ là 55,3%. Điều đó có nghĩa nếu giành chiến thắng 2-1, khả năng đi tiếp của đội chủ nhà sẽ ít hơn 8% nếu họ đánh bại đối thủ 1-0.

Hòa 2-2, cửa đi Hòa 2-2, cửa đi tiếp của Juventus khá hẹp. Ảnh: Getty.

Vậy những con số trên nói với chúng ta điều gì? Nó mở ra một cuộc tranh cãi về việc có nên duy trì luật bàn thắng trên sân khách. Giống như HLV Wenger đã khẳng định, những luật lệ của UEFA khuyến khích đội bóng thi đấu phòng ngự trên sân nhà và thi đấu tấn công trên sân khách bởi tầm quan trọng của bàn thắng trên sân khách.

Dường như nghiên cứu mới nhất được xuất bản trên European Journal of Operational Research đang ủng hộ chiến lược gia người Pháp. Tất nhiên các đội khác có thể phản bác lại điều này bằng việc đưa ra những luận điểm của riêng mình.

Tuy vậy, không thể phủ nhận một thực tế, luật bàn thắng trên sân khách đang ảnh hưởng quá nhiều đến chiến thuật của các đội bóng. Kéo theo đó là tính hấp dẫn của các trận đấu và có thể là cả giải đấu. Chính vì vậy, đây chắc chắn là một vấn đề mà UEFA sẽ phải lưu tâm trong những mùa giải sắp tới.

Theo Thu Hà (Zing.vn)