Thể thao

Ông Troussier và bài toán cầu thủ Việt kiều

Trong đợt tập trung của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam lần này, huấn luyện viên Troussier đã trao cơ hội cho những cầu thủ Việt kiều. Đây được coi là một trong những kế hoạch thử nghiệm để nâng tầm đội tuyển.

Trong danh sách 34 cầu thủ đội tuyển Việt Nam, cái tên được chú ý là Schmidt Adriano, trung vệ Việt kiều này có tên Việt Nam là Bùi Đức Duy. Anh từng được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên hồi tháng 3/2022 nhưng chưa có nhiều cơ hội để thể hiện.

Ông Troussier và bài toán cầu thủ Việt kiều
Schmidt Adriano từng được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF

Còn ở danh sách của đội tuyển U23 Việt Nam cũng có một cầu thủ Việt kiều khác là Nguyễn An Khánh. VFF thông tin: “Cầu thủ Việt kiều mới 18 tuổi này đang khoác áo U19 Sigma Olomouc của CH Czech, được đích thân huấn luyện viên Philippe Troussier đề xuất triệu tập.

Vị trí chơi bóng sở trường của Nguyễn An Khánh là tiền vệ trung tâm, thiên về tấn công, đồng thời có thể chơi tốt ở vị trí tiền đạo cũng như tiền vệ cánh trái. Với lối chơi đa năng, An Khánh thường xuyên đá chính cho U19 Sigma Olomouc và nhiều lần góp mặt trong đội B của câu lạc bộ thi đấu ở giải hạng Nhất CH Czech”.

Đây được xem là một trong những kế hoạch của huấn luyện viên Troussier nhằm nâng cao chất lượng đội hình của đội tuyển Việt Nam. Trong cuộc họp báo hôm 5/6, ông Troussier đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm nhiều việc để nâng cấp sức mạnh đội tuyển quốc gia, U23 và U20. Với tôi, để làm điều đó thì chỉ huấn luyện là không đủ. Hiện tại, chúng ta có V.League 1 và 2, ta phải thiết lập một hệ thống hoàn chỉnh hơn, nghiêm túc hơn với 40 tới 50 trận mỗi mùa cho mỗi CLB. Với tôi, đội tuyển quốc gia có thành công hay không đến từ hiệu quả làm việc ở cấp câu lạc bộ.

Thứ hai là nguồn lực Việt kiều. Tôi có nhiều kinh nghiệm làm việc tại châu Phi, nơi bóng đá gần đây rất thành công không chỉ nhờ nguồn lực trong nước mà chủ yếu từ Phi kiều được đào tạo, được thi đấu và thành danh tại châu Âu. Ở Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đang rốt ráo với việc này. Việt Nam thì trong nhận diện của tôi không có quá nhiều cầu thủ đâu. Nhưng theo danh sách tuyển trạch viên cung cấp, cũng có khoảng 20 cái tên tới từ Bulgaria, Czech, Nga, Pháp...”.

Đội tuyển Việt Nam từng có những cầu thủ Việt kiều để lại dấu ấn. Đó là Mạc Hồng Quân dưới thời huấn luyện viên Miura và Đặng Văn Lâm dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo. Thậm chí, kế hoạch mở rộng tìm kiếm các cầu thủ Việt kiều từng được ông Park lên kế hoạch.

Năm 2019, ông Park từng có trong tay hồ sơ của 8 cầu thủ Việt kiều và có chuyến sang Châu Âu xem một số cầu thủ thi đấu. Trong đó, có 2 cái tên nhận được sự quan tâm đặc biệt là tiền đạo Alexander Đặng (Na Uy) và thủ môn Filip Nguyễn (CH Czech). Ông Park cũng đã có chuyến đi Châu Âu để “xem giò” một trong những ứng viên đó.

Nhưng sau đó, ông Park đã đúc rút: “Cầu thủ Việt kiều không nói được tiếng Việt dù có bố hoặc mẹ người Việt. Họ sinh ra ở nước ngoài, không hiểu văn hoá Việt Nam. Họ còn dòng máu Việt Nam nhưng suy nghĩ, thói quen là công dân nước ngoài. Từ cách tư duy, suy nghĩ không phải của người Việt Nam mà là nước ngoài khiến ông Park đặt câu hỏi: Nếu ngôn ngữ bất đồng, tư duy khác biệt thì hoà nhập thế nào? Và vấn đề quan trọng ở đây là nếu cầu thủ thực sự tài năng, vượt trội hơn cầu thủ Việt Nam thì chúng ta cần họ nhưng nếu trình độ chỉ ngang ngang thì cần suy nghĩ thấu đáo”.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Troussier đặt ra nhiệm vụ vươn tầm với mục tiêu cao, hướng đến World Cup 2026. Nhìn vào lực lượng hiện tại, nếu sòng phẳng đặt lên bàn cân, khó lòng chúng ta có được sức mạnh. Màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 phần nào làm thước đó.

Những huấn luyện viên có kinh nghiệm như ông Troussier khi đến làm việc ở Việt Nam cũng nhận ra vấn đề, chúng ta đang thiếu gì. Dù vậy, ông Troussier vẫn cần có những thử nghiệm với những cầu thủ Việt kiều. Hai trận đấu giao hữu sắp tới của đội tuyển Việt Nam sẽ giúp ông và ban huấn luyện đưa ra những đánh giá cụ thể. Schmidt Adriano có thể là một gợi ý cho hướng đi tìm kiếm các nhân tố mới của ông Troussier.

Giá vé xem 2 trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam

Để chuẩn bị cho Asian Cup 2023 và vòng loại đầu tiên World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam sẽ có 2 trận đấu giao hữu trong đợt FIFA Days tháng 6 này. Trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 15/6 sẽ diễn ra trên sân vận động Lạch Tray (Hải Phòng). Trong khi đó, cuộc chạm trán với Syria trên sân Thiên Trường (Nam Định) được diễn ra vào ngày 20/6.

Theo đó, VFF đã công bố giá vé xem 2 trận đấu này. Cụ thể, vé gồm 3 mệnh giá là: 50.000 đồng, 200.000 đồng và 300.000 đồng/vé.

Đây được xem là mức giá hợp lí nhằm phục vụ cho thị hiếu của người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đặc biệt là cổ động viên tại Hải Phòng và Nam Định. Đây cũng là 2 tỉnh, thành có lực lượng người hâm mộ đông đảo, cuồng nhiệt với bóng đá. Dự kiến, 2 trận đấu sẽ tạo nên cơn sốt vé.

Với việc đưa 2 trận giao hữu về các địa phương thay vì tổ chức trên sân vận động Mỹ Đình, VFF mong muốn sẽ giúp các khán giả ở mọi tỉnh thành có cơ hội xem đội tuyển quốc gia tranh tài.

Hai trận đấu với Hong Kong (Trung Quốc) và Syria là màn ra mắt của ông Philippe Troussier trên cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.

Theo kế hoạch, toàn đội sẽ hội quân trở lại từ hôm 5/6. Tuy nhiên, do nhiều cầu thủ vẫn vướng lịch thi đấu tại vòng 11 V.League 2022, nên phải đến ngày 7/6, huấn luyện viên Troussier mới có trong tay đầy đủ lực lượng.

Đội tuyển Việt Nam bắt đầu tập luyện vào hôm 6/6 tại sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ (Hà Nội), sau đó, đến ngày 13/6 sẽ di chuyển đến Hải Phòng để chuẩn bị cho trận giao hữu gặp Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 15/6 tại sân Lạch Tray.

Theo Hưng Hà (CAND Online)




https://cand.com.vn/the-thao/ong-troussier-va-bai-toan-cau-thu-viet-kieu-i696042/