Xã hội

22 triệu giấy phép lái xe máy có bắt buộc phải đổi ngay?

Nếu đề xuất phải đổi giấy phép lái xe máy từ thẻ giấy sang thẻ nhựa được thông qua, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình; thời gian cho phép cấp đổi có thể kéo dài một vài năm.

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất đổi giấy phép lái xe máy vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 sang thẻ nhựa.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông, giấy phép lái xe đổi sang dạng PET sẽ được cập nhật lên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam, sau đó tích hợp vào ứng dụng VNeID.

Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 22 triệu giấy phép lái máy không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012. Nếu dự thảo luật được thông qua, người sử dụng giấy phép lái xe này sẽ phải làm thủ tục đổi mới sang thẻ nhựa (PET).

Lý giải việc bắt buộc phải đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa, sáng 27/9, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý người lái và phương tiện (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, do giấy phép lái xe máy vật liệu bìa thiếu dữ liệu ngày tháng sinh, số căn cước công dân nên không thể tích hợp hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam cũng như dữ liệu quốc gia về dân cư và tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất 22 triệu giấy phép lái xe môtô thẻ giấy phải đổi sang thẻ PET 

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Bộ Công an bổ sung điều khoản này vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Nếu đề xuất được thông qua, ông Thống cho biết Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình và mức phí cấp đổi.

Tuy nhiên, ông Thống cũng nhấn mạnh, với số lượng bằng lái xe giấy nhiều như hiện nay sẽ cần có thời gian để người dân đi đổi chứ không thể bắt buộc đổi ngay. Thời gian cho phép cấp đổi có thể trong vòng một vài năm.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết, ủng hộ việc đổi giấy phép lái xe không thời hạn từ bìa giấy sang thẻ nhựa. Bởi theo ông Liên việc chuyển đổi này tạo thuận tiện cho người dân, nhất là khi các dữ liệu được cập nhật và hiển thị trên hệ thống VNeID. Tuy nhiên, ông Liên cũng cho rằng việc thay đổi trên phải có lộ trình, không làm mất thời gian cũng như tốn kém kinh phí cho người dân.

Tương tự, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, để tạo được sự đồng thuận của người dân, chính sách đổi giấy phép lái xe phải đáp ứng được 3 điều kiện, đó là không gây phiền hà cho người dân, chi phí và phải đưa ra lộ trình đổi hợp lý. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý đến việc không “đẻ” thêm nhiều thủ tục, không buộc người đổi bằng phải học và thi lại. Chính phủ cũng cần có chính sách miễn phí đối với người thuộc diện phải cấp, đổi này. Trường hợp khó khăn chỉ thu tiền in ấn với chi phí khoảng 10.000-30.000 đồng/giấy phép lái xe.

Theo Thông tư 12/2017, hệ thống giấy phép lái xe tại Việt Nam hiện có 11 loại và quy định rõ chức năng, giá trị sử dụng của từng loại bằng. Trong đó, các loại bằng A1, A2 và A3 không có thời hạn.

Hiện nay, giấy phép lái xe vật liệu PET đã được tích hợp vào VNeID để liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.  Cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý 55,6 triệu giấy phép lái xe, cả ôtô và xe máy. Trong đó, có khoảng 23,6 triệu giấy phép lái ôtô, xe máy chưa thể tích hợp trên VNeID do không đồng bộ dữ liệu cư dân.

Hiện nay, người đổi giấy phép không cần giấy khám sức khỏe, hồ sơ giấy phép cũ, mức phí là 135.000 đồng.

Theo N.Huyền (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/22-trieu-giay-phep-lai-xe-may-co-bat-buoc-phai-doi-ngay-2194861.html