Hàng ngàn ý kiến bạn đọc, chuyên gia tranh luận quanh vấn đề không nên mở đường, mở đường người dân sẽ sắm xe nhiều hơn...

Mở đường không thay đổi được chuyện kẹt xe?

PGS. TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng cho rằng ở những khu vực đã quy hoạch các phương tiện giao thông công cộng thì không nên mở thêm đường.
 

Đường Trần Quốc Hoàn, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM được mở rộng thêm làn dành cho xe máy nhưng vẫn không giải quyết được ùn ứ trong giờ cao điểm - Ảnh: Hữu Khoa

“Nếu mở đường thì người dân sẽ tiếp tục đi xe cá nhân, thay vì lựa chọn giao thông công cộng. Vấn đề là phải làm sao để các phương tiện giao thông công cộng hoạt động tốt, hiệu quả” - PGS.TS Phạm Xuân Mai nói.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, việc mở đường không thay đổi được căn bản tình trạng kẹt xe, chỉ khi nào giảm được phương tiện cá nhân thì mới kéo giảm được ùn tắc giao thông.

Và việc không mở đường ở những nơi đã triển khai phương tiện giao thông công cộng cũng là một trong số những giải pháp để làm giảm lưu lượng xe cá nhân.

TS Đinh Thị Thanh Bình, trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý Giao thông vận tải (GTVT), Trường ĐH GTVT Hà Nội đánh giá sự tăng trưởng phương tiện cá nhân đang tăng theo từng năm. Trong khi nguồn tài nguyên có hạn (về quỹ đất, nguồn vốn…), chúng ta không thể mở đường mãi được.

Do đó, khi những phương thức vận tải công cộng phát triển đến mức đủ để đáp ứng một phần lớn nhu cầu đi lại, các nhà quản lý có thể đưa ra các biện pháp về hành chính, về kinh tế (thuế, phí…) để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Mở đường và sử dụng xe buýt, metro: hai chuyện khác nhau

Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Hội KTS Việt Nam đánh giá cuộc chạy đua giữa việc làm đường và mua xe cá nhân đã hụt hơi từ nhiều năm nay. Tốc độ phát triển hạ tầng, đường sá so với cơ cấu sở hữu xe cá nhân luôn vênh nhau, với bên có tốc độ phát triển nhanh hơn luôn thuộc về xe cá nhân.

“Nhiều nguồn lực xã hội được huy động để phát triển đường sá nhưng cuối cùng người sử dụng phương tiện cá nhân vẫn không thấy thỏa mãn. Trong khi đó, nhiều người yếu thế như trẻ em, người già, phụ nữ… lại bị giảm thiểu việc tiếp cận những phúc lợi đô thị.

Vậy phải đặt ra câu hỏi việc phát triển đường sá dành cho phương tiện cá nhân có phải là con đường đúng hay không hay thành phố phải hướng đến tương lai vận động vì con người?”, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển TP.HCM lại đánh giá việc mở đường và việc người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như metro, xe buýt… là hai chuyện khác nhau.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, đó là sự thay thế giá trị tương đương, tức là nếu có một giá trị tương đương và tốt hơn (như xe buýt, metro… thay phương tiện cá nhân) thì người ta sẽ chấp nhận nó một cách tự nhiên, không cần những cưỡng ép hành chính.

“Nếu như xe buýt, xe buýt nhanh, metro… tốt, rẻ, sạch, lịch sự, thuận lợi thì tội gì mà người dân phải đi xe máy?” - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đặt câu hỏi.

Có cùng góc nhìn, TS Đinh Thị Thanh Bình nói nhận định khi người dân thấy di chuyển bằng phương tiện cá nhân kém cơ động, kém hấp dẫn hơn xe buýt, metro… thì người dân sẽ tự động chuyển đổi hình thức vận tải của mình. Khi đó, áp lực về việc mở rộng đường giao thông cho xe cá nhân sẽ không còn nữa.

Bổ sung thêm ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết ở nhiều nước, dù đường sá rộng rãi, việc mở đường cũng triển khai nhiều nhưng người dân vẫn ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng bởi tính tiết kiệm, tiện lợi của loại hình này.

Trong khi đó ở Việt Nam, người dân chưa mặn mà với phương tiện công cộng như xe buýt bởi lưu thông bằng loại phương tiện này còn những hạn chế nhất định.

“Việc lựa chọn phương tiện công cộng phải dựa trên rất nhiều tiêu chí. Người dân sẽ đặt lên bàn cân những tiêu chí như chi phí, tính cơ động, an toàn… giữa việc di chuyển bằng xe máy và xe buýt, metro… để quyết định. Do đó, việc hạn chế mở đường để người dân sử dụng phương tiện công cộng và hạn chế xe cá nhân chỉ là một góc nhìn, một giải pháp rất nhỏ trong trường hợp này” -  PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.

Không mở đường: Có thể dẫn đến những xung đột khác

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng cách làm “tôi không cho cái này, anh bắt buộc phải dùng cái kia” là rất cực đoan và bị phản tác dụng trong nhiều trường hợp. Cũng giống như việc không mở đường nữa để người dân không sắm xe mới và chuyển sang dùng phương tiện công cộng là phương pháp rất cổ điển, không phù hợp với xã hội hiện đại.

Nguyên tắc phát triển của xã hội hiện đại là hãy đưa ra nhiều lựa chọn để người dân quyết định dùng cái tốt hơn, tốt nhất theo ý kiến của mình, thay vì không cho người dân lựa chọn.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nhận định việc không mở đường có thể dẫn đến những hệ quả khác như những xung đột xã hội sẽ nhiều hơn khi giành lấy một khoảng trống để di chuyển trên đường.
 
Theo Võ Hương - An Nhiên (Tuổi Trẻ)