Xã hội

Bộ LĐ-TB-XH: Nghỉ Tết dài nhưng số ngày làm việc không thay đổi

Theo Bộ Luật Lao động, Việt Nam có tổng số ngày nghỉ lễ của Việt Nam trong năm là 10 ngày. Tuy nhiên, do những ngày nghỉ lễ gần vào dịp cuối tuần và việc hoán đổi ngày ngày làm việc nên có nhiều dịp nghỉ lễ kéo dài 4-5 ngày thậm chí 9-10 ngày.

 
Theo Bộ Luật Lao động, Việt Nam có tổng số ngày nghỉ lễ của Việt Nam trong năm là 10 ngày. Tuy nhiên, do những ngày nghỉ lễ gần vào dịp cuối tuần và việc hoán đổi ngày ngày làm việc nên có nhiều dịp nghỉ lễ kéo dài 4-5 ngày thậm chí 9-10 ngày. Những dịp nghỉ lễ dài này khiến nhiều người lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động.
 
Số ngày nghỉ trong một năm được quy định trong Bộ Luật Lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: “Tổng số ngày nghỉ dịp lễ, Tết cả năm của Việt Nam khoảng 20 ngày nếu so với thế giới thì không nhiều. Tuy nhiên, nếu so với thực tế đất nước thì nghỉ như vậy dài và lãng phí, năng suất lao động thấp lại nghỉ nhiều rất mâu thuẫn.”

Trong khi nhiều ý kiến lo lắng về các dịp nghỉ lễ dài thì đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải rằng thực tế số ngày làm việc và ngày nghỉ trong năm không thay đổi, việc nghỉ lễ dài là do nghỉ bù và hoán đổi ngày nghỉ tránh tình trạng ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. 

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, việc hoán đổi ngày làm việc để có kỳ nghỉ liên tục được thực hiện từ năm 2010 với mục đích giúp người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt, đây là hoán đổi ngày nghỉ nên tổng số ngày đi làm trong năm vẫn giữ nguyên, không ảnh hưởng tới năng suất lao động.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nghỉ lễ dài ngắn không quan trọng bằng việc người lao động bắt nhịp với công việc thế nào khi quay trở lại làm việc. Nếu ngày làm việc xen kẽ với các dụp nghỉ lễ thì năng suất lao động, chất lượng công việc cũng bị ảnh hưởng.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng khi Chính phủ đã công bố lịch nghĩ rõ ràng hàng năm thì doanh nghiệp có thể bố trí lịch sản xuất, kinh doanh cho hợp lý. Với cơ quan nhà nước, những bộ phận liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể bố trí người trực để giải quyết công việc cần thiết.

“Quan trọng là sau khi đi làm lại phải làm nghiêm túc, không phải đi làm mà vẫn còn tranh thủ chúc tụng, đi chùa chiền,” ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.

 
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)