Xã hội

Cán bộ giảng viên đại học không coi, chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT

Ngày 20/5, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Điểm khác biệt lớn là sẽ không huy động cán bộ, giảng viên trường đại học tham gia coi thi, chấm thi.

Theo dự thảo này, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh/thành là trưởng ban chỉ đạo thi. Trách nhiệm coi thi, chấm thi bao gồm cả chấm tự luận và trắc nghiệm hoàn toàn thuộc lãnh đạo, cán bộ tại địa phương.

Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi, do sở GD-ĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi hội đồng thi có các điểm để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.

Giám đốc sở GD-ĐT có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng thi bao gồm lãnh đạo sở GD-ĐT, các phòng ban trực thuộc sở GD-ĐT, hiệu trưởng, giáo viên các trường phổ thông tại địa phương.

Cán bộ giảng viên đại học không coi, chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT
Các cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Hà Nội trước giờ xuất phát lên đường coi thi trong kì thi THPT quốc gia năm 2019

Quy trình chấm thi tự luận và trách nhiệm vẫn được quy định chặt chẽ bao gồm các khâu giám sát và camera giám sát 24/24 những khu vực bảo quản đề thi, bài thi, khu vực chấm thi. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn là cán bộ, giảng viên trường đại học sẽ không tham gia tổ chức coi thi, chấm thi như năm 2019.

Thành phần tham gia coi thi, chấm thi hoàn toàn được huy động tại chỗ. Để giữ khách quan, dự thảo quy định giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đúng với bài thi tự luận được chấm, các thành viên ban thư kí, làm phách của hội đồng sẽ không được tham gia chấm thi tự luận.

Ở khâu chấm thi, dự thảo vẫn quy định việc chấm kiểm tra 5% số bài thi rút ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quyết định thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ hoặc một số bài thi, kiểm tra kết quả chấm phúc khảo của một số hội đồng thi.

Trong thành phần chấm thẩm định này, ngoài lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT, giáo viên, giảng viên có chuyên môn tốt cũng sẽ được huy động.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi.

Thiên Bình (Nguoiduatin.vn)