Xã hội

Chỉ có 70-80% số cây chuyển từ phố Nguyễn Chí Thanh về vườn ươm sống được

Theo thông tin từ Cty Công viên Cây xanh Hà Nội thì chỉ có 70-80% có khả năng tiếp tục phát triển và tồn tại sau khi được đánh chuyển từ phố Nguyễn Chí Thanh về vườn ươm Cầu Diễn.

Theo thông tin từ Cty Công viên Cây xanh Hà Nội thì chỉ có 70-80% có khả năng tiếp tục phát triển và tồn tại sau khi được đánh chuyển từ phố Nguyễn Chí Thanh về vườn ươm Cầu Diễn.

Ông Nguyễn Xuân Hanh tại vườn ươm.

 
Theo ông Nguyễn Xuân Hanh - Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất cây hoa, cây xanh, cây cảnh (thuộc Cty Công viên cây xanh Hà Nội): Toàn bộ số cây trên đường Nguyễn Chí Thanh được chuyển về vườn ươm Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Cty Công viên cây xanh là 128 cây - địa điểm này không có số cây bị chặt hạ trên tuyến phố Hàng Bài. Ngoài ra, tại bãi tập kết này còn lưu giữ số gỗ được chặt hạ trên tuyến đường Nguyễn Trãi từ năm 2014 để phục vụ tuyến đường sắt đô thị.
 
“Trong tổng số 128 cây được chuyển về từ phố Nguyễn Chí Thanh, đa phần là cây hoa sữa, có một số ít là bằng lăng. Theo kinh nghiệm thì chỉ có 70-80% số cây này có khả năng tiếp tục phát triển và tồn tại. Những cây này khi đủ điều kiện sống thì sẽ được mang ra đường phố theo quy hoạch của thành phố” - ông Hanh cho biết.
 
Trước câu hỏi của phóng viên về việc loại cây nào thì sẽ được đánh chuyển, loại cây nào sẽ được chặt ra làm gỗ, ông Hanh cho biết cây nào quá to, ngoài khả năng đánh chuyển của Cty thì sẽ được chặt ra làm gỗ, Cty chỉ đánh chuyển đối với cây nhỏ đường kính dưới 35cm.
 
Liên quan đến việc bảo vệ những số gỗ trên, lãnh đạo Cty Công viên Cây xanh cho biết khu vực vườn ươm Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hai bãi là điểm tập kết cây xanh chặt hạ trên phố Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Đường Láng… được bảo vệ Cty trông giữ nghiêm ngặt với một ca ban ngày gồm 2 người, ca tối thì có nhiều bảo vệ hơn. Lãnh đạo Cty cũng khẳng định việc không để xảy ra mất mát trong quá trình trông giữ, tuy nhiên, không có đơn vị giám sát trung gian việc này.
 
Một trong những nội dung được dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm, đố là phương thức xác định thu hồi số củi, gỗ sau khi chặt hạ. Theo khẳng định của ông Đỗ Ngọc Hoàng - Giám đốc Cty Công viên Cây xanh Hà Nội: Quy trình các bước tiến hành thu hồi củi, gỗ được Cty tiến hành nghiêm túc, đúng theo quy định, không hề có việc tự ý mua đi, bán lại mà phải chờ sự đồng ý của nhiều cơ quan.
 
Cụ thể, theo ôgn Hoàng thì các thành viên trong ban thu hồi sẽ xác định trực tiếp khối lượng thu hồi bằng thước đo đối với cả các khúc gỗ, củi (gỗ được quy định với các khúc có đường kính lớn hơn hoặc bằng 20cm, còn lại được xác định là củi). Sau khi đã thống nhất khối lượng, các bên liên quan sẽ lập biên bản chi tiết, cụ thể việc thu hồi tại hiện trường.
 
"Sau đó, trên cơ sở khối lượng củi, gỗ tại bãi gỗ, Cty sẽ tiến hành tổng hợp báo cáo Sở Tài chính Hà nội về khối lượng, chủng loại, kích thước và hiện trạng củi gỗ thu hồi; đồng thời thực hiện công tác khảo giá thị trường làm cơ sở thực hiện đấu thầu số củi, gỗ trên. Sau đó, thông qua Cty đấu giá độc lập để thực hiện bán đấu giá theo quy định của nhà nước” - ông Đỗ Ngọc Hoàng cho biết.
 
>> Hà Nội: Cây “lạ” được thay trên phố ban đêm?
 
Theo Phi Long (Lao Động)