Xã hội

"Chúng tôi không bỏ tiền mua án tử"

Đó là khẩu hiệu băng rôn mà hàng trăm hộ dân tại khu đô thị Phước Lý. TP Đà Nẵng phản ảnh để thỉnh cầu giải quyết dứt điểm tình trạng nổ mìn ở các mỏ đá.

Đó là khẩu hiệu băng rôn mà hàng trăm hộ dân tại khu đô thị Phước Lý. TP Đà Nẵng phản ảnh để thỉnh cầu giải quyết dứt điểm tình trạng nổ mìn ở các mỏ đá.

Hơn 100 hộ dân tại khu đô thị Phước Lý (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vừa tổ chức buổi họp dân tại trung tâm KĐT Phước Lý. Cuộc họp không có sự có mặt của đại diện chính quyền địa phương mà người dân chỉ mời mời đại diện công ty cổ phần đầu tư DMT (chủ dự án KĐT Phước Lý) đến tham dự.
 

Tại cuộc họp, ông  Nguyễn Trần An Khương  (40 tuổi, xây nhà tại lô 47, KĐT Phước Lý), cho biết năm 2012, gia đình ông có ý định mua nhà tại KĐT Phước Lý, phía công ty DMT cho biết UBND thành phố đã có quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của các mỏ đá. Cụ thể, mỏ đá Nho Chiến dừng hoạt động vào tháng 6-2013, mỏ Hòa Phát dừng hoạt động vào tháng 12-2014. "Tuy nhiên, giờ là 2016, các mỏ đá trên vẫn hoạt động như bình thường. Năm 2016, UBND TP Đà Nẵng cho phép gia hạn đến ngày 8-3, bây giờ là ngày 20-3 vẫn còn cài nổ mìn rồi tận thu. Hỏi tận thu bao nhiêu năm nữa mới xong", ông Khương bực tức.
 

Ông Lê Đặng Dung bức xúc khi nói về các mỏ đá


Ông Lê Đặng Dung (60 tuổi, nhà tại lô 42, KĐT Phước Lý) bức xúc: “Hiện nay có không dưới 500 hộ dân với hơn 1.000 người sống ở đây. Theo luật pháp qui định, khoảng cách tối thiểu của mỏ khai thác khoáng sản phải cách khu dân cư tối thiểu 500 mét, nhưng thực tế các mỏ đá hoạt động cách nhà dân chỉ hơn 100 mét. Công ty Nho Chiến còn đặt bãi chế biến, tập kết lấn sâu vào diện tích quy hoạch, cơ sở hạ tầng, đường sá khu dân cư, xe ben chạy ngang nhiên trong KĐT phát tán bụi mù mịt. Tai hại từ các mỏ đá gây ra đã quá rõ rồi, thế ai là người giải quyết. Yêu cầu chính quyền vì hơn 1.000 người dân mà cho dừng hoạt động các mỏ đá ngay lập tức”.
 

Quang cảnh buổi họp dân


Chị Ngọc Anh (giảng viên trường ĐH Duy Tân, nhà tại lô 24) cũng chia sẻ: “Tôi đã từng gọi điện cho chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ để nói rõ bức xúc của người dân. Chủ tịch bảo đang còn giải quyết, thế bác giải quyết bao giờ mới được, bây giờ hay 10 năm nữa để bà con còn tính. Giờ tường nứt rộng như chiếc đũa, nhà cửa hư hỏng nặng, rồi bụi đá mù mịt, để xe ngoài sân một lúc thì thấy yên xe phủ một lớp dày bụi đá, thế này bà con hít phải rồi cũng chết hết thôi. Tôi là một người mẹ, nhiều đêm thấy con mình ngủ trong không khí ô nhiễm như thế mà muốn trào nước mắt”.

Trước đó, từ năm 2008, khi TP Đà Nẵng có kế hoạch phát triển đô thị về phía Tây, hình thành khu dân cư mới như KĐT Phước Lý, lãnh đạo địa phương đã yêu cầu các mỏ đá ngừng hoạt động.

Đến năm 2012, các cư dân tại KĐT Phước Lý đã kiến nghị về tình trạng ô nhiễm với bụi và tiếng ồn nghiêm trọng lên chính quyền TP. Lãnh đạo TP đã nhiều lần ra văn bản đóng cửa 7 mỏ đang khai thác và cũng nhiều lần ra văn bản gia hạn.

Hiện tại khu vực núi Đà Sơn vẫn còn hai mỏ đá là Nho Chiến và Hòa Phát vẫn còn hoạt động ngay sát KĐT.

Theo nhiều người dân, đến nay các mỏ này vẫn còn nổ mìn, vận chuyển, xay nghiền từ 3 giờ sáng đến 11 giờ đêm, gây ô nhiễm bụi đá và tiếng ồn nghiêm trọng. Toàn bộ những ý kiến của người dân trong cuộc họp đã được lập bản kiến nghị để trình lên UBND TP Đà Nẵng.
 
Theo Q.Quý (Nld.com.vn)