Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch vào lễ, Tết khi F0 tăng quá nhanh

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh nguy cơ dịch bùng phát đang hiện hữu ở Hà Nội và thành phố cần tính toán, tránh kịch bản quá tải hệ thống y tế khi F0 tăng quá nhanh.

Thời gian gần đây, xu hướng ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại Hà Nội. Đặc biệt ngày 22/12, TP ghi nhận 1.646 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 483 ca tại cộng đồng, đây là con số mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Trong hơn một tuần qua (từ 15/12), Hà Nội liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Hệ thống y tế, năng lực thu dung, điều trị của Hà Nội đứng trước thử thách lớn khi đây mới là lần đầu Hà Nội đưa việc điều trị F0 nhẹ tại nhà vào thực hiện.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch vào lễ, Tết khi F0 tăng quá nhanh
Nguồn: CDC Hà Nội

Trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng số ca nhiễm tăng nhanh là điều đã được dự báo. Tuy nhiên, khi tốc độ lây lan không giảm, Hà Nội có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát rất lớn, nhất là trong đợt nghỉ lễ, Tết sắp tới.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội thêm 32.079 ca Covid-19, trong đó có 11.639 ca cộng đồng, 20.440 ca là đối tượng đã được cách ly.

Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 từ ngày 11/10 đến nay, Hà Nội ghi nhận 27.968 ca mắc, trong đó 10.107 ngoài cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra các con số về công tác điều trị. Cụ thể, kể từ năm 2020 đến nay, đã có 34.617 lượt bệnh nhân được điều trị, trong đó 17.932 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 95 trường hợp tử vong do Covid-19.

Hiện tại, TP có 16.590 F0 đang được điều trị, trong đó 9.484 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung. TP cũng đang có 7.106 người đang cách ly điều trị tại nhà.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến ngày 23/12, Hà Nội đang điều trị hơn 7.000 F0 tại nhà, hơn 4.700 F0 ở bệnh viện, hơn 4.700 F0 tại khu cách ly. Trong đó, hơn 3.226 F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, bệnh nhân mức độ trung bình là 1.273 người; 220 bệnh nhân nặng. Trong số 220 F0 nặng này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng thông tin có 200 F0 thở oxy mask/gọng kính, 2 ca thở HFNC, 2 ca thở máy không xâm lấn và 16 F0 thở máy xâm lấn.

Theo ông Phu, số liệu ca nhiễm phản ánh tương đối sát mức độ dịch bệnh của Hà Nội. Hà Nội vẫn kiên trì xét nghiệm nhanh, truy vết sớm đối với hầu hết chùm ca bệnh, nên việc phát hiện ra số lượng F0 lớn là điều không lạ.

Bên cạnh đó, khi áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ, việc tạo điều kiện cho hoạt động giao thương, kinh doanh, sản xuất của người dân cũng khiến Hà Nội khó tránh khỏi việc dịch bệnh lây lan mạnh. Nhất là khi người dân cần di chuyển, tiếp xúc nhiều đáp ứng nhu cầu công việc, vui chơi bị hạn chế trong thời gian trước đó.

"Số ca bệnh tăng nhanh, nhưng chủ yếu là ca nhẹ và không triệu chứng. Đây là điều ta cần chấp nhận để thích ứng linh hoạt trong thời điểm hiện tại", ông Phu nói.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nếu thành phố không có các biện pháp để kiềm chế tốc độ lây lan, khả năng quá tải hệ thống y tế rất dễ xảy ra. Cùng với đó, ca mắc tăng nhanh đồng nghĩa với số F0 phải nhập viện, tử vong cũng tăng theo.

Ông Phu khuyến nghị thành phố nên có các biện pháp kiềm chế tốc độ lây lan như dừng một số hoạt động nguy cơ cao, không thiết yếu ở những địa bàn vùng cam, vùng đỏ; hạn chế đến mức thấp nhất sự kiện đông người trong phòng kín, các hoạt động vui chơi tập trung dịp lễ, Tết...

"Bên cạnh thiết chế quản lý, thành phố cũng cần nâng cao tinh thần tự giác của người dân, như tuân thủ 5K, hạn chế ăn uống, liên hoan dịp cuối năm. Ngày lễ, Tết cũng tránh đi thăm hỏi quá nhiều người, nhất là hạn chế tiếp xúc người già, trẻ em, người nhiều bệnh nền", ông Phu nói.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-bung-phat-dich-vao-le-tet-khi-f0-tang-qua-nhanh-tintuc802398