Xã hội

Dự án đường vành đai 4 Hà Nội ‘đội vốn’ gần 2.900 tỷ đồng

Ước tính tổng mức đầu tư của Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư ban đầu.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án có tổng chiều dài gần 113km, đi qua địa phận thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư của vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 85.813 tỷ đồng. Toàn bộ dự án được chia thành 7 dự án thành phần.

Dự án đường vành đai 4 Hà Nội ‘đội vốn’ gần 2.900 tỷ đồng
Tuyến đường Vành đai 4 đi qua ba tỉnhh: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. 

Chính phủ cho biết kết quả phê duyệt các dự án thành phần cho thấy tổng mức đầu tư khoảng 84.320 tỷ đồng (thấp hơn sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56 của Quốc hội). Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của Dự án sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên dự kiến tăng khoảng 1.500 tỷ đồng; dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến tăng khoảng 2.874 tỷ đồng. Nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.

Theo quy định của pháp luật về đầu tư công phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó.

Về diện tích giải phóng mặt bằng tại các địa phương đã thực hiện khoảng 86,5%, tuy nhiên chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Phạm vi đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng chủ yếu thuộc khu vực đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan đến tín ngưỡng, đất liên quan đến các cơ quan, tổ chức...

Ngoài ra, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư triển khai còn chậm, chưa hoàn thành nên rất khó khăn trong việc di dời người dân đến nơi ở mới đề thực hiện giải phóng mặt bằng.

Mặc dù tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao khá lớn, tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận còn có hiện tượng “xôi đỗ”, khó khăn trong việc triển khai thi công đồng loạt.

Theo Trần Thường (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/du-an-duong-vanh-dai-4-ha-noi-doi-von-gan-2-900-ty-dong-2198161.html