Xã hội

Hà Nội di dời 215.000 dân, không xây nhà cao tầng trong 4 quận trung tâm

Bốn quận nội thành của Hà Nội được định hướng không xây dựng nhà cao tầng và sẽ giảm 215.000 người (dân số hiện tại gần 900.000 người) trong 10 năm tới.

Sáng 22/3, TP Hà Nội tổ chức hội nghị công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Các đồ án này có quy mô nghiên cứu trên 2.700 ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số và cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Để đạt được mục tiêu giảm dân số theo quy hoạch, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho hay thành phố sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, bao gồm việc di dân ra bên ngoài khu vực nội đô; triển khai đồng bộ chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành...

Hà Nội di dời 215.000 dân, không xây nhà cao tầng trong 4 quận trung tâm
Bốn quận nội thành của Hà Nội được định hướng không xây dựng nhà cao tầng. Nguồn: Internet

Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh "chương trình phát triển đô thị", cân đối nguồn lực bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung; từng bước kiểm soát phát triển theo kế hoạch, trong đó tập trung vào các khu vực phát triển như đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái... để tạo các cực hút dân cư ra khu vực trung tâm.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, với việc quy hoạch được thông qua, Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Hà Nội cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ giảm 215.000 người, dân số giảm xuống còn 672.000 người (dân số hiện tại gần 900.000 người).

"Trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 215.000 người trong 4 quận nội thành. Kế hoạch này hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn. Theo đó, có 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; Giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ ngành. Trong 6 năm qua, dân số quận Hoàn Kiếm cũng tự giảm 20.000 người", ông Hùng nói.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, các quận nội thành sẽ phát triển theo hướng hạn chế nhà cao tầng, không tăng dân số. Theo đó, khu phố cổ được phép cao từ 3 - 4 tầng (12-16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m. Khu phố cũ được phép xây từ 4-6 tầng (16-22 m); các khu vực hạn chế phát triển được xây từ 5-7 tầng (20-25m).

Theo các đồ án, khu vực phố cổ (thuộc quy hoạch phân khu H1-1A) được xác định là khu vực đô thị có giá trị về lịch sử và văn hóa, với các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng...

Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (thuộc quy hoạch phân khu H1-1B) là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, với chức năng chủ yếu là trung tâm văn hóa, hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở...

Khu phố cũ (thuộc quy hoạch phân khu đô thị H1-1C và một phần các quy hoạch phân khu H1-2, H1-3, H1-4) là khu đô thị cũ với nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu của khu vực này là di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính...

Khu vực hạn chế phát triển là phần còn lại của các quy hoạch phân khu H1-2, H1-3, H1-4 sẽ hạn chế phát triển nhà ở cao tầng.

Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô được xây dựng nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; giúp UBND thành phố Hà Nội kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời là cơ sở pháp lý quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai.

HP (Nguoiduatin.vn)