Xã hội

Hà Tĩnh yêu cầu chấm dứt việc 'chiếm hữu' di tích Quốc gia đền Chợ Củi

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có kết luận thanh tra, xem xét trách nhiệm nguyên cán bộ huyện, xã liên quan đến công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi.

Ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký kết luận thanh tra liên quan đến công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân).

Theo đó, ông Nguyễn Hải Nam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân bị xem xét xử lý trách nhiệm do tổ chức cuộc họp thống nhất khoán tiền công đức năm 2016 không có thành phần của sở, ngành liên quan. Trong 2 năm 2018, 2019, ông Nam trực tiếp ký quyết định giao thu nộp tiền công đức tại Ban quản lý di tích đền Chợ Củi mỗi năm là 2,5 tỷ đồng. Việc này chưa phù hợp với nội dung giao khoán tiền công đức theo đề án của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Phi Phượng, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng chưa chỉ đạo sát sao, thực hiện tốt việc phối hợp với ban quản lý di tích trong công tác quản lý dẫn đến việc cơi nới, vi phạm chỉ giới quy hoạch, nhiều ki ốt của các hộ gia đình xây dựng trái phép…

Hà Tĩnh yêu cầu chấm dứt việc 'chiếm hữu' di tích Quốc gia đền Chợ Củi
Phía bên trong Đền Chợ Củi. Ảnh: ĐH

Ông Trần Vũ Quang, Nguyễn Long Thiên, Đậu Đình Hà – nguyên Trưởng BQL di tích đền Chợ Củi là những người chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, song không thể hiện đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ dẫn đến hoạt động còn nhiều bất cập, xảy ra nhiều khiếu kiện.

Ngoài ra, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Nghi Xuân, BQL khu di tích đền Chợ Củi, UBND xã Xuân Hồng do chưa thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ dẫn đến những sai phạm tại di tích.

Yêu cầu kiểm điểm hàng loạt cơ quan quản lý

Tại kết luận thanh tra cho thấy, đền Chợ Củi là di tích văn hóa tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào. Tuy nhiên, trong thời gian dài, gia đình các "thủ nhang" là ông Nguyễn Sỹ Q. và Nguyễn Sỹ H. đã chiếm hữu, quản lý.

Mặc dù quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, song chính quyền địa phương chưa thực hiện việc cắm mốc và không ban hành quy định quản lý nên quy hoạch đền Chợ Củi vẫn chưa được thực hiện. 

Hà Tĩnh yêu cầu chấm dứt việc 'chiếm hữu' di tích Quốc gia đền Chợ Củi - 1
Dịp đầu năm mới, người dân về thắp hương tại Đền Chợ Củi rất đông. Ảnh: ĐH

Hiện nay, đền Chợ Củi chỉ sử dụng theo hiện trạng khuôn viên đã có trước khi quy hoạch. Phần lớn các hạng mục công trình chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã duyệt. Diện tích đất quy hoạch chưa được cắm mốc và chính quyền địa phương chưa ban hành các quy định quản lý quy hoạch dẫn đến việc cơi nới, vi phạm...

Phía mép bờ sông bên ngoài đường vào di tích (phía bắc đền) có 12 Ki ốt do các hộ gia đình tự ý xây dựng trái phép, đang kinh doanh. 

Kết luận thanh tra cho thấy, BQL di tích đền Chợ Củi không thực hiện quản lý toàn bộ lao động làm việc tại đền. Chưa thực hiện đầy đủ việc ký hợp đồng lao động đối với các thành viên tổ nội tự và tổ giữ xe; không thực hiện chi trả lương, chế độ cho phần lớn người lao động và các hoạt động tại di tích mà giao khoán cho gia đình "thủ nhang" và tổ giữ xe. Việc này không đúng quy định.

Về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tại BQL, chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo quy định.

UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND huyện Nghi Xuân triển khai cắm mốc và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết khu di tích Đền Chợ Củi. Tổ chức bảo vệ di tích theo đúng quy định. Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại hiện trạng sử dụng đất tại khu di tích, xử lý các vi phạm đất đai (nếu có).

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Nghi Xuân và các tổ chức liên quan tổ chức kiểm điểm theo thẩm quyền và làm rõ trách nhiệm.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND huyện Nghi Xuân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu điều chỉnh quy hoạch và sớm triển khai quy hoạch khu di tích.

Yêu cầu chấm dứt việc "thủ nhang" chiếm hữu, quản lý

Đối với công tác tổ chức quản lý tại khu di tích, giao UBND huyện Nghi Xuân chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và ban hành quy chế quản lý phù hợp, hiệu quả. Đến hết ngày 5/1/2024, chấm dứt việc khoán công tác quản lý tiền công đức của đền Chợ Củi cho hộ gia đình "thủ nhang". Thành lập Hội đồng quản lý, kiểm kê hằng ngày hoặc hằng tuần và nộp tiền công đức vào ngân sách.

Đối với khoản tiền công đức còn thiếu đến 31/12/2022 của hộ gia đình "thủ nhang", do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh thống nhất giảm hơn 1,2 tỷ đồng cho 6 tháng do đền Chợ Củi không thể hoạt động. Số tiền còn lại hơn 1,7 tỷ, yêu cầu hộ "thủ nhang" (ông Nguyễn Sỹ Q.) nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.

UBND tỉnh giao UBND huyện Nghi Xuân thu hồi số tiền chi sai chế độ lương và phụ cấp của các đối tượng với số tiền 143 triệu đồng, (trong đó chi trả lương 9.180.000 đồng, chi trả phụ cấp kiêm nhiệm 133.875.300 đồng) và số tiền khoán công tác phí năm 2018 chi sai quy định 12.000.000 đồng. Số tiền này nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.

Thời hạn phải nộp và thu hồi số tiền chi sai trong vòng 20 ngày, tính từ ngày ban hành kết luận thanh tra.

Đối với các gia đình "thủ nhang", yêu cầu chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý khu vực nội tự của đền Chợ Củi, bàn giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15/1.

Nếu các gia đình "thủ nhang" không thực hiện bàn giao theo đúng thời hạn, giao UBND huyện Nghi Xuân tổ chức cưỡng chế việc bàn giao và thực hiện quản lý toàn bộ di tích đền Chợ Củi theo đúng quy định pháp luật.  

Theo Thiện Lương (VietNamNet) 




https://vietnamnet.vn/ha-tinh-yeu-cau-cham-dut-viec-chiem-huu-di-tich-quoc-gia-den-cho-cui-2235838.html