Xã hội

"Khuyến cáo dừng ăn cá rô phi là quá vớ vẩn"

Đó là chia sẻ đầy bức xúc của tiến sĩ Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), chuyên gia đầu ngành về thủy sản - trước thông tin “Lý do bạn nên dừng ăn cá rô phi ngay lập tức” mà một tờ báo đăng tải và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội chiều tối 29.8.

Đó là chia sẻ đầy bức xúc của tiến sĩ Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), chuyên gia đầu ngành về thủy sản - trước thông tin “Lý do bạn nên dừng ăn cá rô phi ngay lập tức” mà một tờ báo đăng tải và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội chiều tối 29.8.

Liên quan tới những lý do mà bài báo cho rằng “dừng ăn cá rô phi ngay lập tức”, tiến sĩ Lựu cho hay: “Không biết họ lấy từ nguồn nào nhưng dẫu là bài báo viết, dịch hay dẫn nguồn thì đây là thông tin vô trách nhiệm với người dân. Đây là thông tin phản khoa học".

Tiến sĩ Lê Thanh Lựu. (Ảnh: Ngọc Thọ)

Tiến sĩ Lựu đi sâu vào những lý do “dừng ăn cá rô phi ngay lập tức” mà bài báo đăng. Cụ thể, về lý do “cá rô phi nuôi trong các trang trại sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc kháng sinh..., ông cho rằng thuốc trừ sâu cũng là một phần trong thực đơn của cá.

“Thông tin này cực kỳ vô lý. Cá nuôi tại các trang trại trên toàn thế giới đều sử dụng thức ăn công nghiệp có tiêu chuẩn rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí toàn cầu. Không đời nào có chuyện thức ăn chứa thuốc trừ sâu. Thực tế, thức ăn cho cá rô phi giàu protein, mà giàu protein thì rất lợi cho cá, cho sức khỏe con người khi dùng cá” - ông Lựu phân tích.

Ông cũng cho rằng lý do “ăn cá rô phi làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, bệnh tim và viêm khớp” cũng phản khoa học.

"Ăn cá rô phi thậm chí còn tốt cho người hen suyễn và bị bệnh tim, viêm khớp là đằng khác vì cá chứa nhiều omega 3 và protein” - ông Lựu khẳng định.

Về lý do cho rằng “cá rô phi nuôi công nghiệp trong các nông trại chứa hàm lượng dioxin cao hơn 11 lần so với rô phi tự nhiên”, ông Lựu cho rằng điều đó hoàn toàn bất hợp lý bởi những khu vực, vùng đất, trang trại đã xác định nhiễm dioxin thì không một cơ quan nào cấp phép cho người nuôi chứ nói gì nuôi cá.

TS Lựu còn cho hay: "Nói “cá rô phi công nghiệp có thức ăn từ phân của gà, vịt và heo” là không biết gì cả". Theo ông, giờ cá rô phi chủ yếu nuôi công nghiệp mà nuôi công nghiệp thì không bao giờ có chuyện cho cá ăn từ phân gà, vịt, heo mà dùng thức ăn công nghiệp. Nhiều nơi không chỉ Việt Nam mà trên thế giới họ nuôi cá lô phi lồng này, ao này thì bên lồng kia, ao kia nuôi cá trắm, chép và các loại cá khác. Thức ăn dạng viên đều đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn rõ ràng. Còn nuôi thủ công, nhỏ lẻ thì may ra người nuôi mới thải phân gà, vịt, heo vào ao. Nhưng việc cho phân gà, vịt, heo vào ao không phải cho cá ăn mà để tạo ra vi khuẩn, tảo có lợi cho ao cá của người nuôi nhỏ lẻ.

Nuôi cá rô phi tại một trang trại theo hình thức công nghiệp.

Theo vị chuyên gia về hải sản nổi tiếng này, thời gian qua có nhiều thông tin phản khoa học, cực kỳ vô lý, báo chí nếu viết, dịch, dẫn nguồn vô căn cứ có thể giết chết người nông dân một nắng hai sương. 

"Tôi mong rằng thời gian tới đừng có những thông tin thiếu cơ sở khoa học nữa, vì rất khổ cho các nhà khoa học, người nông dân” - ông Lựu nói.

Ông Lê Thanh Lựu là tiến sĩ Trường Đại học Laroslav, Liên Xô (cũ); Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; Trường Đại học Thủy sản, Đại học Washington, Giấy chứng nhận Fishing Nutrition Mỹ. TS Lựu nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (RIA-1). Ông Lựu là thành viên tích cực của Hội đồng quản lý Mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng Châu Á - Thái Bình Dương (NACA). Ông là chuyên gia hàng đầu và có tiếng trên thế giới về thủy sản.

Theo Trần Ngọc Thọ (Dân Việt)