Xã hội

Liên tục là F1 nhưng không mắc Covid-19

Hiện các trường hợp âm tính sau khi tiếp xúc nhiều F0 chưa có hết giải đáp. Nó có thể do nhiều nguyên nhân, thậm chí chưa phát hiện ra.

Dịch Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp khi số mắc mới trong ngày 7/3  của Hà Nội đã lên mức mới: 32.317 ca COVID-19 - đây là số ca bệnh được ghi nhận nhiều nhất tại Hà Nội và cao nhất tại 1 địa phương trong cả nước từ khi dịch xuất hiện. Chủng Omicron đã xuất hiện tại 20/30 quận huyện của thành phố.

Các chuyên gia cho biết khoảng hai tuần tới số ca mắc ở Hà Nội có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.

Hiện nay, hơn 90% người mắc Covid-19 tại Hà Nội tự cách ly và điều trị tại nhà, thậm chí trong nhiều gia đình, F0 còn nhiều hơn F1. Một số người cho hay, dù ăn, ngủ, sinh hoạt cùng F0, nhưng họ vẫn là F1 "bất tử" không xuất hiện triệu chứng, xét nghiệm âm tính. Đặc biệt, nhiều người còn liên tục là F1 vì tiếp xúc rất gần với các F0, vậy nhưng vẫn không mắc Covid-19.

Liên tục là F1 nhưng không mắc Covid-19

Về vấn đề này, chia sẻ trên Zing.vn, TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho biết trường hợp âm tính sau khi tiếp xúc nhiều F0 hiện nay chưa có hết các giải đáp. Nó có thể từ nhiều nguyên nhân, thậm chí chưa phát hiện ra.

Theo vị chuyên gia này, trường hợp dễ xảy ra nhất là những người mang virus nhưng không biểu hiện triệu chứng. Họ đã từng nhiễm virus, vì không phát hiện triệu chứng nên thời điểm xét nghiệm có thể đã khỏi và cơ thể đang được hệ miễn dịch bảo vệ tốt. Khi đó, test nhanh vẫn âm tính.

Trường hợp thứ hai là những người có hệ miễn dịch tốt. Virus đã xâm nhập nhưng bị tiêu diệt ngay hoặc không bao giờ đủ sinh sôi tới ngưỡng phát hiện của các xét nghiệm.

Trường hợp thứ ba là những người có tế bào T hoặc kháng thể sinh ra do có lịch sử tiếp xúc loại coronavirus khác hoặc một số virus như cúm mùa. Những yếu tố này có thể xuất hiện ngay trong xoang mũi và tiêu diệt virus trước khi có thể tái bản. Do đó, những người này không bị nhiễm bệnh, cũng không có kháng thể đặc hiệu cho SARS-CoV-2 trong máu.

Trường hợp thứ tư là một số người mang đột biến hiếm gặp làm thay đổi cấu trúc thụ thể cho SARS-CoV-2 nên virus không xâm nhập được vào tế bào của họ. Trường hợp này đã xảy ra với một số bệnh khác do virus gây ra như HIV, sốt rét hay bệnh do norovirus. Những người miễn nhiễm với HIV có mang đột biến trong cấu trúc thụ thể CCR5 là một ví dụ cho những trường hợp này.

Theo TS Lê Minh, việc trở thành F1 nhiều lần nhưng không mắc Covid-19 có thể là do sự kết hợp của các yếu tố này và thời điểm tiếp xúc người bệnh. Nếu một người có hệ miễn dịch tốt, đeo khẩu trang khi tiếp xúc F0 từ khoảng một tuần sau ngày phát bệnh, nguy cơ lây nhiễm cũng giảm đi nhiều. Nhìn chung, chúng ta rất khó có thể xác định được nguyên nhân thực sự tại sao một người tiếp xúc nhiều mà không mắc bệnh.

Ông khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Có những cá nhân tiếp xúc liên tục bệnh nhân trong 1-2 năm không mắc bệnh rồi đột nhiên dương tính không phát hiện ra nguồn lây.

Khi sống cùng F0, F1, chúng ta nên ở riêng phòng. Các hoạt động ăn uống, tắm, giặt đồ... cần tách biệt. Ngoài ra, F1 và F0 cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc nhau. F1 cần tự theo dõi sức khỏe của bản thân trong quá trình cách ly chung với F0.

Thông tin trên báo Trí Thức Trẻ, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng khuyến cáo cách để tự phòng và chống nhiễm Covid-19.

1. Rửa tay đúng cách với xà phòng thông thường trước và sau ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi đi từ chỗ đông người về, sau khi chạm tay vào những chỗ như nút bấm thang máy, ATM, tay nắm cửa... Hạn chế tối đa việc đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng.

2. Ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất. Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) ngày 4-5 lần. Uống đủ nước, tốt nhất nên mang theo bình nước cá nhân, có thể thêm chút muối hoặc chanh hoặc bất cứ loại quả nào bạn thấy thích.

3. Quần áo bẩn nên giặt ngay, tránh để lâu trong phòng, nếu có máy sấy thì sấy khô ngay. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mở cửa mỗi khi có thể để không khí trong nhà thông thoáng.

4. Sử dụng găng tay và kính: Xem xét việc sử dụng găng tay/kính mỗi khi đi ra ngoài, đặc biệt khi phải tới những nơi có nguy cơ cao.

5. Đeo khẩu trang

6. Súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn họng trước khi ra khỏi nhà và sau khi về nhà. Nếu được, có thể mang theo dung dịch sát khuẩn họng để súc khi thấy có nguy cơ lây nhiễm.

7. Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, tin thần thoải mái, hạn chế stress.

HL (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/lien-tuc-la-f1-nhung-khong-mac-covid-19-tintuc813073