Xã hội

Nguyên nhân mưa lớn dồn dập ở miền Trung, khi nào chấm dứt?

Miền Trung tiếp tục đối mặt với các đợt mưa lớn liên tiếp ít nhất từ nay đến 20/10 và khả năng còn kéo dài, nhiều diễn biến phức tạp. Một số nơi mưa rất lớn đến 800mm, gây ngập lụt diện rộng.

Ngày 14/10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam vẫn ở trong cao điểm của đợt mưa rất lớn và dự kiến còn kéo dài nhiều ngày tới cùng với những diễn biến rất phức tạp. Đã có ít nhất 2 người tử vong do bị lũ cuốn (ở Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh) và hàng trăm nhà dân bị ngập, chủ yếu ở tâm mưa Đà Nẵng.

Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 do mưa lớn ở hai tỉnh, thành Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hai địa phương chịu một đợt mưa đặc biệt lớn và liên tiếp 2 ngày qua. Đồng thời, Quảng Nam cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấp 2; Hà Tĩnh: cấp 1.

Nguyên nhân mưa lớn dồn dập ở miền Trung, khi nào chấm dứt?
Mưa lớn ở miền Trung, nhiều nơi ngập lụt. Ảnh minh họa: Hồ Giáp

Theo lãnh đạo cơ quan khí tượng, nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh phía Bắc liên tục tràn xuống, tương tác với một dải hội tụ nhiệt đới trên cao đi qua khu vực Trung Bộ, cùng lúc trên các tầng khí quyển trên cao từ 1.500 - 5.000 m, có đới gió Đông hoạt động mạnh.

Tổ hợp hình thái thời tiết trên đã gây ra đợt mưa lớn liên tiếp trên diện rộng ở khu vực miền Trung.

Đồng thời, theo các chuyên gia khí tượng, thời tiết tháng 10 là một trong những tháng mưa lớn nhất trong năm ở miền Trung. Do đó, từ 11/10 đến nay, ở Bắc và Trung Trung Bộ liên tiếp xảy ra lượng mưa rất lớn, trong đó khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là trọng tâm.

Nhận định về lượng mưa lên đến 800mm chỉ trong 2 ngày, các chuyên gia khí tượng cho biết, lượng mưa phổ biến ở miền Trung thời kỳ này thường ở mức 600-800mm. Do đó, lượng mưa đang diễn ra không phải bất thường, nhưng trong 2 ngày qua, ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng là tương đối lớn so với trung bình nhiều năm.

Do ảnh hưởng của hình thái thời tiết trên, trong 2 ngày tới (14 đến sáng 16/10), Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tiếp tục duy trì cường độ mưa rất lớn với lượng 300-500mm, có nơi trên 800mm; khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lượng mưa giảm hơn, từ 150-250mm, có nơi trên 400mm; ở Hà Tĩnh 70-120mm, có nơi trên 150mm.

Ngoài ra, ở khu vực phía Nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm; khu vực Nam Trung Bộ, các nơi khác ở Tây Nguyên và Nam Bộ 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa giông tập trung vào chiều và tối).

Đáng lưu ý, giai đoạn từ 16-17/10, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vẫn có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. Sau 17/10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.

Người dân cần đề phòng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh trên.

Mưa lớn sắp lan ra Hà Tĩnh - Nghệ An

Vùng áp thấp đang hình thành ở ven biển Quảng Ngãi tới Đà Nẵng và có xu hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Theo TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, vùng áp thấp này sẽ gây mưa lớn ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong giai đoạn từ nay đến 16/10.

Nguyên nhân mưa lớn dồn dập ở miền Trung, khi nào chấm dứt? - 1
Các lực lượng cứu hộ có mặt tại tuyến đường Mẹ Suốt - nơi được xem là vùng rốn lũ ở Đà Nẵng để ứng cứu người dân đến nơi an toàn. Ảnh chụp sáng 14/10: Hồ Giáp

"Sau đó vùng áp thấp gây mưa lớn tới Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh - Nghệ An trong khoảng từ 17-20/10. Nguy cơ lụt và sạt lở trước mắt xảy ra ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị,... sau đó tới Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An", TS Huy nhận định.

Theo cơ quan khí tượng, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm 15-18/10 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Từ ngày 19/10, có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, riêng phía Bắc ngày 19-20/10 có mưa vừa, mưa to và giông.

Hiện vùng áp thấp đang gây mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh trên các vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và khu vực Giữa Biển Đông.

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo, để có thông báo kịp thời đến các chủ phương tiện hoạt động trên biển. Đồng thời, các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để nhanh chóng xử lý khi có tình huống.

Theo Bảo Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nguyen-nhan-mua-lon-don-dap-o-mien-trung-khi-nao-cham-dut-2201869.html