Xã hội

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Để mất cán bộ là điều rất đau!

 Nói về hàng loạt án kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên gần đây, kể cả cán bộ cấp cao, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Mất cán bộ là rất đau, mất một cán bộ là thiệt hại cho tổ chức, cho cách mạng”.

“Vừa qua, công tác cán bộ của chúng ta đã có tiến bộ, có những vấn đề được làm mạnh mẽ. Điều đó giúp công tác xây dựng Đảng tốt hơn, cái đúng, cái sai trong Đảng được phân minh hơn, làm cho tính tích cực cách mạng cũng như vai trò, vị trí của người đảng viên cộng sản mẫu mực hơn, đồng thời có sự răn đe để đẩy lùi, hạn chế các tiêu cực” - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (ảnh) khẳng định.

Thưa ông, thời gian qua, có trường hợp cán bộ sau khi được bầu, bổ nhiệm làm chưa được bao lâu đã bị phát hiện có những vi phạm, khuyết điểm. Để xảy ra những việc như vậy là do công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ vẫn còn hạn chế?

- Đảng thành lập và hoạt động từ khi còn sơ khai đã thấy công tác cán bộ cực kỳ quan trọng. Việc lựa chọn, đào tạo cán bộ được thực hiện thế nào để khi vào thực tiễn cuộc sống, người được lựa chọn đó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ luôn là vấn đề mang tính then chốt.

Kết quả từ hoạt động thực tiễn của người cán bộ là cơ sở đánh giá họ có tốt hay không, có xứng đáng hay không. Tuy nhiên, có trường hợp cán bộ là người tốt nhưng không phù hợp với công việc được giao, chứ không phải cứ ai đó làm không đúng đều là người xấu. Đây là vấn đề do công tác tổ chức sắp xếp chưa phù hợp.

Để xảy ra việc cán bộ vi phạm liên quan đến quá trình theo dõi, nắm chắc cán bộ của tổ chức là chưa thực sự sát sao, chưa thực sự chặt chẽ. Có trường hợp, một cán bộ đang ở vị trí thấp được đề bạt, bổ nhiệm lên cấp cao hơn, thậm chí vượt vài cấp, cấp quyết định việc đó cho rằng thế là đúng, nhưng sau đó thực tiễn đã diễn ra không phải như vậy nên dẫn tới chuyện có những cán bộ vi phạm thế này, thế kia.

Cũng có tình huống, người cán bộ được đánh giá đúng, được bố trí công việc cũng đúng, nhưng khi người đó thực hiện công việc thì lại xảy ra sai sót. Ví dụ trong quân đội, một cán bộ chỉ huy huấn luyện rất giỏi, ai cũng công nhận có khả năng chỉ huy, tổ  chức giỏi, nhưng khi ra trận ông lại là người chỉ huy kém. Câu chuyện đó cho thấy việc đánh giá cán bộ là chưa sát.

nguyen tong bi thu le kha phieu: de mat can bo la dieu rat dau! hinh anh 1

 Quá trình bổ nhiệm "thần tốc" bà Trần Vũ Quỳnh Anh tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa dẫ gây dư luận không tốt. ảnh: N.L.Đ

Theo ông, muốn đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ một cách sát thực để giao công việc phù hợp, yếu tố nào là quan trọng nhất?

- Muốn đánh giá sát thực nhất về phẩm chất và năng lực cán bộ phải thông qua thực tiễn. Bên cạnh đó là dựa vào quần chúng nhân dân, dựa vào tổ chức. Khi tổ chức đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mà không lấy ý kiến một cách đúng đắn, nghiêm túc, việc đánh giá cán bộ sẽ sai lệch, thiếu chính xác.

Đánh giá cán bộ cần phải vô tư, trong sáng. Nếu trong nội bộ không có sự vô tư, trong sáng thì rất khó đánh giá đúng cán bộ. Việc tốt nhất để đánh giá cán bộ là thông qua hoạt động thực của người đó.

Người cán bộ khi đã hoạt động thực tế, có cái xấu muốn giấu đi rất khó. Trong quá trình anh làm việc đừng tưởng mọi người không biết cái xấu của anh. Anh là trưởng phòng, cục trưởng, bộ trưởng hoặc cao hơn nữa, nhưng qua công việc hằng ngày thể hiện ra con người anh, đồng nghiệp, quần chúng, người dân đều biết và đánh giá. Nếu biết lắng nghe đánh giá đúng dứt khoát người cán bộ biết được bản thân có ưu điểm nào, có những tật gì, tật đó phải sửa thế nào. Có nhiều người biết lắng nghe để sửa chữa nhược điểm, phát huy ưu điểm và trở thành cán bộ giỏi.

Công tác cán bộ đòi hỏi công phu, liên tục

Việc bồi dưỡng cán bộ là một chuyện, nhưng vấn đề sử dụng cán bộ thế nào, sử dụng vào việc gì, ở đâu cần phải có phương pháp để thực hiện. Nói đến công tác cán bộ yêu cầu sự toàn diện. Bản thân người cán bộ phải nỗ lực là một chuyện, bên cạnh đó cơ quan quản lý cán bộ cũng phải chặt chẽ”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Nhiều ý kiến cho rằng, trong công tác cán bộ của chúng ta vẫn còn không ít bất cập như chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, lợi ích nhóm, nguyên Tổng Bí thư nghĩ sao?

- Công tác cán bộ của chúng ta cơ bản là tốt nên mới có được những thành quả như ngày nay. Tuy nhiên, bên cạnh những cái tốt, có những cái sai, thậm chí có cái sai lớn, hạn chế sự phát triển của Đảng, có lúc làm cho người dân giảm niềm tin… Trong công tác cán bộ, chúng ta có nhiều điểm tốt, chúng ta rút được nhiều kinh nghiệm qua các thời kỳ. Ở nhiệm kỳ khóa XI của Đảng có nhiều phương án để giải quyết tồn tại và khóa XII vẫn tiếp tục.

Nói chung, trong công tác cán bộ chúng ta có cố gắng, có tiến bộ, có những vấn đề được làm mạnh mẽ. Điều đó giúp cho công tác xây dựng Đảng tốt hơn, cái đúng, cái sai trong Đảng được phân minh hơn, làm cho tính tích cực cách mạng cũng như vai trò vị trí của người đảng viên cộng sản mẫu mực hơn, đồng thời có sự răn đe để đẩy lùi, hạn chế các tiêu cực

Thời gian qua, công cán bộ có những chuyển biến tích cực. Theo ông, để phát huy tốt hơn nữa cần phải làm gì?

- Mới đây, tôi và đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng khi nói chuyện với nhau có nói: Trong công tác cán bộ thời gian qua có nhiều cái chúng ta đánh giá đúng, đưa cán bộ vào vị trí phù hợp. Tuy nhiên, cũng có nhiều lần chúng ta đánh giá sai, hoặc chưa đi sát để tìm ra yếu tố đánh giá chính xác về người cán bộ nên bố trí công tác không phù hợp.

Nếu rong tổ chức có những người quan liêu không nắm rõ cán bộ, thấy có một vài thành tích thì tâng họ lên, không chỉ ra nhược điểm khiến cán bộ tự kiêu, nhược điểm không được khắc phục sẽ thoái hóa dần dần. Việc đó không kịp thời uốn nắn thì một người cán bộ tốt sẽ trở thành xấu. Từ đó, tổ chức sẽ mất cán bộ.

Mất cán bộ là điều rất đau, vì để bồi dưỡng một cán bộ trưởng thành đòi hỏi rất nhiều vấn đề. Mất một người cán bộ tức là thiệt hại cho cách mạng. Cho nên công tác cán bộ đòi hỏi sự công phu, liên tục, không phải bầu ra hoặc bố trí vào các vị trí công tác xong là thôi. Chúng ta chưa có sự giám sát cán bộ đến nơi đến chốn. Chúng ta vẫn nói quần chúng giám sát, cái đó có, nhưng các cấp quản lý trực tiếp và gián tiếp cán bộ lại chưa giám sát chặt chẽ. Việc này mà buông lỏng sẽ dẫn tới chuyện cán bộ có việc làm vi phạm nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Xin cảm ơn ông! 

Theo L.Kết (Dân Việt)