Xã hội

Nhộn nhịp 'bói đề' trước giờ thi

Từ sau Tết, phong trào bói đề cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 đã bắt đầu, và một tháng trở lại đây thì thực sự trở nên nhộn nhịp. Cho đến trước giờ thí sinh bước vào phòng thi, câu chuyện này vẫn “nóng bỏng tay” trên các diễn đàn.

Bói đề 25 đến 500k

Tháng trước, chị họ tôi có con năm nay thi vào lớp 10 hốt hoảng gọi điện tâm sự: “Gay rồi cô ạ! Hôm qua chị trộm vào máy tính của thằng T, thấy lịch sử truy cập toàn là bói đề, đoán đề thôi”. “Thằng T” là con cả của chị, nằm trong số gần 130.000 thí sinh sắp sửa phải bước vào cuộc “chọi” khốc liệt để giành một suất vào trường công. Tôi được giao nhiệm vụ “nói chuyện nói trò” để giảm tải áp lực cho “thằng T”, đồng thời chuyển thông điệp của mẹ nó: cứ cố gắng hết sức là được, trường hợp xấu nhất thì học trường tư, bố mẹ còn lo được!

Nhộn nhịp 'bói đề' trước giờ thi ảnh 1

Nhộn nhịp 'bói đề' trước giờ thi - 1
Các dịch vụ bói đề bằng bài tarot nở rộ trước các kỳ thi quan trọng.

Qua T tôi mới biết, bói đề, đoán đề đang là mốt, nở rộ trong vài năm gần đây, hầu như học sinh nào cũng biết và “ít nhiều đều tham gia”.

Nói rồi T mở cho tôi xem một nhóm kín gồm hơn 30.000 thành viên chỉ chuyên trao đổi với nhau chuyện bói đề. Giống như các hội nhóm làm bánh hay du lịch, các thành viên (chủ yếu là học sinh THPT) vô tư chia sẻ với nhau địa chỉ các “thầy” có tiếng trong việc bói và đoán đề “trên cõi mạng”.

Truy cập vào nick của một thầy bói tarot có đến 15.342 lượt thích, tôi lần nữa được mở rộng tầm mắt về dịch vụ đặc biệt này.

Chủ của tài khoản “uy tín” này có cái tên nửa ta nửa Tây là John H, tự xưng là có chứng chỉ Tarot Master của tổ chức ITA từ năm 2020. Nhờ Hùng ma xó - một tay chơi tarot lâu năm giải thích, tôi được biết, ITA là một tổ chức tarot do Marcus Katz thành lập. Đây là một người có hơn 30 năm nghiên cứu về tarot và là tác giả của một trong những cuốn sách viết về tarot bán chạy nhất. Những người mê tarot đều có thể đăng ký kiểm tra online và tùy cấp độ sẽ được cấp một trong 7 chứng chỉ từ cao đến thấp. Chứng chỉ Tarot Master nằm ở quãng giữa, nghĩa là không cao không thấp.

Nhộn nhịp 'bói đề' trước giờ thi - 2
Tỷ lệ “chọi” vào các trường công lập ở Hà Nội quá cao khiến áp lực thi cử đè nặng các thí sinh cuối cấp.

Đã hai lần, John H đoán gần sát đề Văn và đề Toán nên uy tín của “thầy” khá cao. Trong vai một người “cầu đề”, tôi được thông báo phải đợi sang ngày hôm sau mới đến lượt được thầy gieo quẻ. Phí là 500k (500.000vnđ) cho một môn, không mặc cả. “Thằng T” ngồi cạnh tôi nhắc: cô đừng chuyển tiền, cháu “mua tin” của bọn xem trước đó, 25k (25.000vnđ) một lần, chả khác gì nhau.

Lúc này tôi mới biết, những sĩ tử sinh năm 2008 vì để tiết kiệm chi phí đã dùng chung một nick và góp tiền để hỏi thầy cho tiết kiệm. “Ai hâm mà bỏ triệu rưỡi cho thầy đoán đề, còn chưa biết tủ được bao nhiêu phần trăm”, T giải thích.

Theo đà “nhìn tìm (kiếm) đoán ý” của trí tuệ nhân tạo, mấy hôm sau, facebook của tôi tràn ngập quảng cáo bói, đoán đề thi. Giá cả mỗi lần gieo quẻ dao động từ 50 đến 300.000vnđ, giá 500.000vnđ như của John H khá hiếm. Một vài thầy còn đăng tin “xem miễn phí” để hút tương tác.

Nói chuyện với Hùng “ma xó” tôi mới biết, hóa ra từ khi học ở Anh (2002-2007), anh đã được tiếp xúc với tarot và thường xuyên trổ tài bói đề cho bạn bè. Tiếng lành đồn xa, cứ đến mùa thi là Hùng “bội thực” đặt hàng bói đề. “Đầu tiên làm cho vui thôi, sau thấy các cháu bị sa đà quá, tôi kiên quyết từ chối. Gần đây bói tarot trở thành một nghề, nhiều đàn em của tôi kiếm đầy bồn đầy bát mỗi mùa thi. Tính trung bình 200k một lần gieo quẻ khoảng 10 phút, ngày tiếp chục ca là ấm rồi. Đấy là nói con số trung bình chứ tôi biết, những “thầy” được xưng là leader (một cấp bậc trong bói tarot) có ngày thu cả vài chục triệu tiền bói đề”.

“Thánh bói đề” Đen Vâu

Nhộn nhịp 'bói đề' trước giờ thi - 3
Mỗi một MV của Đen Vâu đều được các gen Z đem ra đoán đề thi.

Bắt đầu từ năm 2019, khi Đen Vâu ra mắt MV “Hai triệu năm” có bối cảnh sông nước bao quanh, trùng hợp đề thi tốt nghiệp THPT năm đó trúng vào bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến cộng đồng mạng thống nhất gọi Đen là “thánh bói đề”.

Đến hẹn lại lên, năm 2020, Đen Vâu ra mắt ra MV “Trời hôm nay nhiều mây cực” có câu «Mai này con ta lớn lên/ con sẽ mang đất nước đi xa», cũng tình cờ đề thi năm này là bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm khiến “uy tín” của rapper người Quảng Ninh càng được củng cố.

Năm 2021, “thánh tiên tri” Đen Vâu lần nữa trúng từ khóa bài “Sóng” (Xuân Quỳnh) trong đề thi khi anh rap: “Anh đi tìm thì em trốn, anh đi trốn em không tìm. Lòng em không gợn sóng cuối cùng anh mất công chìm”. Đã có kinh nghiệm từ hai lần trước, những sĩ tử trước giờ G nao nức động viên nhau: “Năm nay chú Đen dự đoán đề ra bài Sóng nhé anh em ơi”!

Tuy có những chi tiết trùng hợp ngẫu nhiên, bản thân Đen Vâu từng nhiều lần chia sẻ lời rap của anh không liên quan và anh không cố tình rap đoán đề thi. Việc các gen Z chờ tác phẩm mới của Đen để “tìm từ khóa” khiến nhiều người cho rằng “đây là bắt chước cách làm của dân bói đề (xổ số) chuyên nghiệp, chỉ cần một con số ngẫu nhiên, là họ có thể tra ra bảy bảy bốn chín phương án xuôi ngược trái phải của số đề về ngày hôm ấy”.

Tất nhiên, kết luận này không làm nhụt chí các sĩ tử. Năm nay, ngay từ sau Tết, khi Đen ra mắt MV “Luôn yêu đời”, làn sóng bám câu đoán đề thi của các sĩ tử đã được đẩy lên ở mức “cao chưa từng thấy”.

Thí sinh tên Ngọc Huy khẳng định năm nay đề sẽ trúng vào bài “Tây Tiến” của Quang Dũng vì MV của Đen tràn ngập hình ảnh đồi núi, rất ứng với câu “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”.

Một học sinh khác, Hoàng Vương, cho rằng: “Với thông điệp luôn yêu đời, vượt qua những khó khăn của cuộc sống trong lời bài rap như: “Tầm tuổi nào cũng có những chông chênh, như gỗ bị cong vênh, chỉ có tự mình uốn nắn”… hay: “Cúi mặt nhìn đời, thấy mình là một trong muôn vàn người lao động” thì khả năng cao đề sẽ rơi vào truyện “Vợ nhặt” (Kim Lân).

Lại có học sinh khác liên tưởng hình ảnh dòng người xếp hàng bỏ trốn giữa núi đồi hùng vĩ trong MV và các ca từ: “Muốn nằm chơi giữa tảng mây to. Làm nhà dưới hàng cây trò. Ta sẽ lại cùng nhau bày trò chơi. Safe and sound như là Taylor” với khao khát tự do của Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

Không có bất cứ dữ liệu nào khẳng định xác suất chính xác của trò may rủi này, nhưng nhiều sĩ tử vẫn hào hứng tham gia đồn đoán như một cách giải tỏa áp lực trước kỳ thi(?!)

Bản thân Đen Vâu thì dứt khoát khẳng định: “Anh mà đoán được đề thì ngày xưa đã không trượt đại học”.

Chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản thì không cần bói đề

Cô giáo Ngô Thu Mỹ (giáo viên Văn của Trường THCS Hoàng Mai, quận Hoàng Mai) cho rằng, đề thi vào lớp 10 mấy năm gần đây có cấu trúc giống nhau và hầu hết đều đã được các thầy cô hướng dẫn trên lớp. Phần kiến thức cũng đều nằm trong phạm vi sách giáo khoa nên học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức thì không cần lo sợ sẽ bị điểm kém. Ít nhất, khi vượt qua các câu hỏi thông thường các em đã được điểm khá, tốt. Thử thách điểm tuyệt đối thường chỉ nằm ở kỹ năng mở rộng, nâng cao và khả năng “cảm” của các em.

Cũng theo cô Mỹ, các em nên tự tin vào những kiến thức cơ bản đã được học, và nếu có thời gian thì củng cố, mở rộng thêm vốn kiến thức đó. Việc đoán đề xác suất trúng rất hiếm. Chưa kể dù có may mắn đoán trúng thì cũng chỉ là một phần, và cũng không có “thầy” nào đoán được các đề “mở” như xu hướng ra đề thời gian gần đây.

Chung ý kiến với cô Mỹ, thầy Trần Tiến Dũng, giáo viên Văn ở Hà Nội cũng chia sẻ: Trước mỗi kỳ thi quan trọng (vào lớp 10, thi tốt nghiệp PTTH), Sở Giáo dục của các tỉnh đều đã có định hướng khoanh vùng kiến thức cho học sinh. Các em chỉ cần tập trung ôn tập theo những gì đã được thầy cô hướng dẫn là đủ. Đoán và bói đề là việc thừa và không nên.

Cũng theo thầy Dũng, năm ngoái, có trường hợp học sinh vì quá tin tưởng vào việc bói đề mà học lệch, dẫn tới kết quả thi không được tốt. “May mà em còn có điểm Toán và Anh kéo lại” (điểm xét tuyển lớp 10 THPT công lập không chuyên = (Điểm Toán + điểm Văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên), thầy Dũng tiếc nuối kể.

Theo Hạ Đan (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/nhon-nhip-boi-de-truoc-gio-thi-post1541861.tpo