Xã hội

Sau 2 giờ nhỏ mũi, bé 11 tháng nhập viện cấp cứu

2 giờ sau nhỏ mũi, bé trai được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, hạ thân nhiệt, được xác định do ngộ độc.

Tối 5/11, khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang tiếp nhận cấp cứu cho cháu Bùi Gia N. (11 tháng tuổi, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). 

Trẻ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở do ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin.

Theo người nhà, bé Gia N. bị ngạt mũi nên buổi chiều cùng ngày gia đình đã mua thuốc nhỏ mũi Naphazolin về nhỏ cho bé.

Khoảng 2 giờ sau khi nhỏ mũi thì thấy bé có hiện tượng da tái toàn thân, chân tay lạnh, vã mồ hôi nên gia đình đã đưa vào bệnh viện.

Sau 2 giờ nhỏ mũi, bé 11 tháng nhập viện cấp cứu
BS Lê khám lại cho bệnh nhi trước khi xuất viện 

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán xác định trẻ bị ngộ độc Naphazolin có trong thuốc nhỏ mũi. Tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, trẻ được truyền dịch, dùng thuốc lợi tiểu, ủ ấm, lau khô toàn thân và theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn. Sau 10 tiếng kể từ khi nhập viện, tình trạng trẻ đã ổn định, nhịp tim nhịp thở đều, thân nhiệt tăng lên 36,6 độ C và ăn ngủ tốt.

BS CKII Nguyễn Thị Lê, Trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết, trước đây bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị một số trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin do sự chủ quan của các bậc phụ huynh khi tự ý dùng thuốc cho trẻ.

Theo BS Lê, Naphazolin có các hàm lượng 0,025%, 0,05%, 0,1%; xịt mũi hàm lượng 0,05% và nhỏ mắt hàm lượng 0,1% và những thuốc nhỏ mũi khác có cùng tác dụng như Xylomethazolin 1% hay Adrenalin 0,01%, Ephedrine 0,1 – 0,3%, ngoài tác dụng tại niêm mạc mũi, còn gây tác dụng toàn thân.

Naphazolin có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi nhanh, kéo dài nên giảm xung huyết, phù nề khi nhỏ hoặc xịt thuốc vào niêm mạc mũi. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định, dùng quá liều hoặc uống nhầm thuốc có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương và gây ra các dấu hiệu ngộ độc (thường xuất hiện sau khi dùng thuốc từ 30 phút – 1 giờ) như: Chóng mặt, đau đầu (ở những trẻ lớn), buồn ngủ, lừ đừ; buồn nôn, nôn; da tái xanh, thở không đều, khó thở, hạ thân nhiệt, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, thậm chí là hôn mê và những tai biến nghiêm trọng khác nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trong hướng dẫn sử dụng, loại thuốc này chống chỉ định cho trẻ sơ sinh, trẻ em không được dùng hàm lượng 0,1%. 

Ngoài Naphazolin, các thuốc nhỏ mũi khác như Xylometazolin, Oxymetazolin, Tetrahydrozolin, Fenoxazolin dù tỷ lệ gây ngộ độc thấp hơn nhưng cũng có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ:

- Tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi Naphazolin cho trẻ dưới 6 tuổi.

- Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ bởi nếu trẻ uống nhầm thuốc thì sẽ bị ngộ độc gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

- Không nên dùng thuốc liên tục và nhiều lần/ngày để tránh tình trạng xung huyết trở nặng. Khi dùng thuốc nhỏ mũi Naphazolin trong vòng 03 ngày mà tình trạng bệnh của trẻ không cải thiện thì cần ngừng sử dụng thuốc và sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ. 

- Đặc biệt, để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra, khi trẻ bị bệnh, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để được bác sỹ khám và tư vấn điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc dùng cho trẻ và cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

HL (Nguoiduatin.vn)