Xã hội

Tăng thời gian làm thêm cho người lao động, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Nâng thời gian làm thêm, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 1/4/2022… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2022.

Nâng giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng 

Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng gia sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 quy định về việc tăng số giờ làm thêm của người lao động. Nghị quyết có hiệu từ 1/4/2022.

Theo đó, thay vì chỉ áp dụng thời gian làm thêm tối đa 300 giờ/năm đối với một số ngành nghề, công việc nhất định, Nghị quyết 17 cho phép người sử dụng lao động khi có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm lên đến 300 giờ/năm, trừ một số trường hợp như: người lao động dưới 18 tuổi, lao động khuyết tật, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng,...

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết 17 quy định: "Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng".

Áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc

Từ tháng 11/2021, hóa đơn điện tử đã được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.

Tăng thời gian làm thêm cho người lao động, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư) 

Sang đến tháng 4/2022, theo Quyết định số 206/QĐ-BTC về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, 57 tỉnh, thành trực thuộc TƯ còn lại sẽ được triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.

Từ 01/4/2022 giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng

Theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Với nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.

Mức điều chỉnh áp dụng từ 1/4/2022 đến 31/12/2022.

Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14.

Điều kiện để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

Theo Thông tư 06/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, hàng hóa nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia hoặc cơ quan được ủy quyền cấp theo quy định của phía Campuchia và làm thủ tục hải quan nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BCT.

Riêng đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân nhập khẩu phải có Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và Thông tư 12/2018/TT-BCT; số lượng nhập khẩu được trừ vào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo giấy phép do Bộ Công Thương cấp.

Hỗ trợ đào tạo nghề du lịch 

Thông tư 12/2022/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 9/4/2022, quy định mức hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch như sau: với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc, từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

Lương công chức quản lý thị trường cao nhất gần 12 triệu đồng/tháng

Có hiệu lực từ ngày 1/4/2022, Thông tư 02/2022/TT-BCT đã hướng dẫn cụ thể về việc xếp lương đối với các ngạch công chức quản lý thị trường như sau:

- Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21.187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

- Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

- Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mã số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại Al, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

- Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Hiện nay, với mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng, lương công chức quản lý thị trường sẽ dao động từ 3,129 - 11,92 triệu đồng/tháng.

Chế độ dành cho công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc

Ngày 15/4/2022, Nghị định 19/2022/NĐ-CP hướng dẫn chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc, sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, công nhân, viên chức quốc phòng khi thôi việc sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

- Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có).

- Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc.

- Trường hợp công nhân, viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 1 năm kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực thì giải quyết quyền lợi như sau:

+ Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Được thực hiện chế độ chuyển ngành; hoàn trả khoản trợ cấp một lần và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận).

+ Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng BHXH: Hoàn trả khoản trợ cấp BHXH một lần (đã nhận).

Nới điều kiện để trở thành giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm

Thông tư 4/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 19/4/2022 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến bổ nhiệm giảng viên tại các trường cao đẳng sư phạm, đại học của Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, thay vì yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên riêng theo từng hạng (I, II, III) như trước, Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT đã cho phép áp dụng tiêu chuẩn chung là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm hoặc theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

Ngoài ra, thông tư mới cũng nêu rõ, viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trước ngày 30/6/2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.

Đồng thời, còn được sử dụng chứng chỉ này khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.

NT (Nguoiduatin.vn)

 




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tang-thoi-gian-lam-them-cho-nguoi-lao-dong-giam-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau-tintuc816446