"Đơn vị quản lý cây xanh Hà Nội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản và tính mạng cho người dân", luật sư Nguyễn Quang Ngọc nhận định.

"Đơn vị quản lý cây xanh Hà Nội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản và tính mạng cho người dân", luật sư Nguyễn Quang Ngọc nhận định.

Để làm rõ trách nhiệm của các bên trước những thiệt hại về tính mạng và tài sản do giông lốc gây ra, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ phỏng vấn luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM).

Theo luật sư, liệu người dân có được bồi thường thiệt hại về tài sản cụ thể nhất là ô tô, xe máy. Nếu có thì cơ quan nào chiụ trách nhiệm bồi thường? Trong trường hơp này, đơn vị quản lý cây xanh có phải chịu trách nhiệm gì không?

Theo quy định tại điều Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2005: "Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây đổ gãy gây ra, trừ trường hợp hoàn toàn xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng".

Tuy nhiên, để có thể yêu cầu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (đơn vị quản lý cây xanh Hà Nội) - phải chịu trách nhiệm thì còn rất nhiều vấn đề cần chứng minh như: Đó có phải là trường hợp bất khả kháng không?. Công ty này có dự báo (có khả năng dự báo hoặc khẳng định) cây sẽ đổ nếu bị gió to hay không?

Việc xác định lỗi để yêu cầu bồi thường là rất khó khăn. Song, tôi cho rằng cơ quan chủ quản của cây xanh cụ thể là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội phải có trách nhiệm bồi thường.

Chiếc xe của anh Nam bị cây xanh trên đường Hoàng Đạo Thúy đè bẹp

Bởi theo quy định Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị quy định như sau: "Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây".
 
Như vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra "tình trạng thực tế" của cây. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu nguy hiểm phải cắt tỉa, chặt hạ thì phải xử lý ngay để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc trong một phiên tòa

Vậy, thưa luật sư những người phải nhập viện do cây đổ vào người, biển quảng cáo bay trúng đầu trong cơn giông có được bồi thường không?

Việc cây đổ vào người thì như đã trình bày bên trên, việc xác định lỗi để yêu cầu bồi thường là khá khó khăn. Tuy nhiên, tôi cho rằng cơ quan chủ quản của cây xanh cụ thể phải có trách nhiệm bồi thường.

Đối với trường hợp biển quảng cáo, thì chủ biển quảng cáo hoặc người cho thuê quảng cáo có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các biển quảng cáo, công trình quảng cáo theo đúng quy định của Luật Quảng cáo. Nếu biển quảng cáo rơi đè bẹp xe/người thì các chủ thể này có nghĩa vụ bồi thường.

Các trường hợp này nếu sau khi kiến nghị mà các chủ thể quản lý không bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện để giải quyết tại tòa án.

Những trường hợp chết người do cây đổ trong cơn giông có thể khởi tố hình sự không thưa luật sư? Chủ thể ở đây là ai? Hay chỉ có thể coi đây là sự kiện bất khả kháng.

Các trường hợp này thường khó có thể khởi tố hình sự. Chỉ có thể khởi tố khi có cơ sở để khẳng định rằng, cây hoặc công trình xây dựng đã được cảnh báo hoặc thông báo là có thể gây ra nguy hiểm mà cơ quan hoặc người có trách nhiệm không thực hiện.

Hoặc chỉ khởi tố khi có cơ sở khẳng định rằng các cây trồng hoặc công trình đã được thực hiện không đúng thiết kế (quy cách) gây ra nguy hiểm.

Xin chân thành cảm ơn luật sư!

>> Dông lốc kinh hoàng vô tình tố vụ chặt cây Hà Nội
>> Hà Nội: Cây xà cừ lớn bật gốc đè chết người trên phố Nguyễn Du
>> Hai người chết, hơn 10 người nhập viện vì dông lớn
>> Hà Nội họp khẩn vì cây đổ, nhà tốc mái, mất điện diện rộng sau cơn dông

Theo Hồng Hạnh (Nguoiduatin.vn)