Xã hội

TP HCM sẽ như thế nào trong 5 năm tới?

Ngoài việc giải quyết những bức xúc thường trực như kẹt xe, ngập nước, mục tiêu của TP HCM hướng đến là phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và nghĩa tình.

Ngoài việc giải quyết những bức xúc thường trực như kẹt xe, ngập nước, mục tiêu của TP HCM hướng đến là phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và nghĩa tình.

Theo đó, mục tiêu được đề ra cho 5 năm tiếp theo là TP phát triển hơn nữa theo hướng hiện đại, văn minh và nghĩa tình. Phấn đấu để TP HCM là trung tâm kinh tế, thương mại của khu vực Đông Nam Á.

Các vấn đề cấp thiết cho người dân như chống ngập, giảm ùn tắc - tai nạn giao thông, phát triển kinh tế - văn hóa được báo cáo đầy đủ và đề ra mục tiêu giải quyết cụ thể.
 

TP HCM hướng tới mục tiêu trung tâm kinh tế tài chính của TP HCM và khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Trường Nguyên.

Về kinh tế, TP HCM tiến hành cơ cấu lại gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tri thức và kinh tế xanh, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển tập trung vào 9 ngành chủ yếu.

Công nghiệp tập trung vào phát triển bốn nhóm ngành, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng cho các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ chủ yếu của TP. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn” giá trị cao kết hợp du lịch sinh thái.
 
Chỉ tiêu cụ thể của TP HCM giai đoạn 2016 - 2020 là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm tăng ít nhất 7,7%, chuyển dịch cơ cấu theo đúng định hướng dịch vụ - công nghiệp - xây dựng - nông nghiệp, khu vực dịch vụ chiếm 57% cơ cấu kinh tế. Đến 2020, đóng góp vào tăng trưởng GDP của TP đạt từ 35% trở lên.

Về mục tiêu chống ngập, thành phố nhìn nhận, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến nguy cơ ngập úng tại TP HCM sẽ ngày càng tăng. Từ năm 2013, đỉnh triều cường tại Phú An đạt mức lịch sử 1,68 m, từ năm 2011 đến 2015 đã xuất hiện 79 lần đỉnh triều cao trên 1,5 m, trong khi 63,5% diện tích

Thành phố có cao độ dưới 1,5 m nên tần suất ngập úng do triều cường tăng nhanh. Do vậy, việc chống ngập úng cho TP HCM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết.
 

Trận mưa lớn ngày 15/9 gây ngập cho 72 tuyến đường. Các điểm ngập có diện tích từ 400 m2 đến hơn 31.300 m2. Ảnh: Trường Nguyên.

Mục tiêu sắp tới là tập trung giải quyết ngập cho khu vực rộng 550 km2 của TP (lưu vực Trung tâm, Bắc, Tây, một phần Đông Bắc, Đông Nam); giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu dân thuộc 13 quận bị ảnh hưởng bởi ngập.

Thành phố sẽ tiến hành nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (chiều dài 32 km) để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực rộng 14.500 ha với tổng mức đầu tư là 9.890 tỷ  đồng, sử dụng nguồn vay của Ngân hàng Thế giới. Nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài 8,2 km).

Xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao, xây dựng và cải tạo 200 km cống thoát nước, sử dụng từ nguồn ngân sách TP và ngân sách Trung ương để triển khai một số dự án quan trọng, cấp bách thuộc các Quy hoạch thoát nước và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM. Xây dựng 3 hồ điều tiết với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng...

Về giải quyết kẹt xe, ùn tắc giao thông, hiện TP HCM có dân số đông nhất cả nước, phương tiện cá nhân tăng nhanh khiến mật độ lưu thông dày đặt gây ùn tắc, tai nạn khiến người dân bức xúc thời gian qua.
 

Nhiều tuyến đường tại TP HCM ngày nào cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh:Trường Nguyên.

TP HCM đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, tập trung tối đa nguồn lực và vốn để triển khai xây dựng, hoàn thành các dự án quan trọng như cầu vượt bằng thép ngã sáu Gò Vấp, bãi đậu xe ngầm trung tâm TP, đường song hành xa lộ Hà Nội…. để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm điều khiển giao thông TP trước 2020, triển khai nhanh các dự án đường cao tốc.

Bên cạnh đó, TP sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng, giảm số phương tiện cá nhân. Đến 2025, mạng lưới xe buýt sẽ liên thông và phủ khắp thành phố.

Đến 2020, TP HCM sẽ có hai tuyến tàu điện metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương đi vào hoạt động) nâng cao năng lực vận tải hành khách theo hướng văn minh và hiệu quả cao.

Các tuyến còn lại lần lượt được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ tạo nên mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp và đa dạng. Các tuyến xe buýt nhanh cũng sẽ hoàn thành vào 2018.
 

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sử dụng công nghệ thi công hiện đại lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Ảnh: Trường Nguyên.

 
Mạng lưới giao thông của TP sẽ được sắp xếp, tổ chức theo hướng khoa học, hợp lý với kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; rà soát lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu, dải phân cách tại những khu vực thường xảy ra ùn tắc - tai nạn giao thông. TP cũng nghiên cứu giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông vào trung tâm.

Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, TP cũng kiên quyết xử lý tình trạng vi phạm luật, ngăn chặn và di dời tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.

Trong giai đoạn 2011- 2015, TP HCM đã triển khai và đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trọng điểm, quan trọng đối với TP cũng như các tuyến metro số 1 và 2, đại lộ Phạm Văn Đồng, các dự án cầu đường.
 

Trong đó, tuyến metro số 1 được khởi công vào tháng 8/2012 với tổng vốn đầu tư hơn 2,4 tỷ USD, dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).

Tuyến này có khoảng 2,6 km đi ngầm dưới lòng thành phố với 3 nhà ga và hơn 17 km trên cao với 11 nhà ga. Dự kiến, đây là là tuyến metro đầu tiên của cả nước, hoàn thành vào năm 2018 và đưa vào sử dụng từ 2020.

Đại lộ Phạm Văn Đồng có tổng vốn 340 triệu USD, là trục đường quan trọng và đẹp nhất của TP HCM, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1, quốc lộ 1K qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, đi tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Hiện, đại lộ này đã khánh thành và đưa vào sử dụng 12 km/13,6 km của toàn tuyến. Đoạn 1,6 km còn lại từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến đường Trường Sơn, nối liền sân bay Tân Sơn Nhất đã được khởi công tháng 1/2015, dự kiến hoàn thành tháng 6/2016.

Những năm qua, TP HCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm quốc gia, hiện đại, mang tầm quốc tế để phục vụ người dân như tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - hầm vượt sông Sài Gòn - đại lộ Mai Chí Thọ, khánh thành dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Phú Long, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc…

 
 
>> Đến năm 2018, TP HCM hết ngập nặng?
>> Dự báo TP.HCM ngập nhiều nơi vào giờ cao điểm
>> Sài Gòn ngập nặng do hệ thống cống quá nhỏ
>> Người Sài Gòn bỏ xế hộp tiền tỷ, lội nước cống về nhà

Theo Võ Thuận - Quang Hiếu - Trường Nguyên (Zing.vn)