Xã hội

Tu bổ công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo: Đã tìm ra màu sơn gốc

“Trong quá trình tôn tạo, các chuyên gia đã tìm ra màu sơn gốc của công trình. Hiện tại, các gam màu cơ bản được dùng đúng như màu gốc của công trình ban đầu. Tuy nhiên, giống đến bao nhiêu % thì không ai khẳng định được”, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam trao đổi với báo chí.

Theo ông Emmanuel Cerise, khi thực hiện dự án bảo tồn công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo không tìm thấy tư liệu gốc của công trình. Nếu như có tìm được, chắc chắn là tài liệu đen trắng, không thể hiện được màu sơn. Tuy nhiên, trong quá trình thám sát lớp vữa bên ngoài công trình, các chuyên gia đã tìm được lớp vữa gốc có gam màu đỏ.

Tu bổ công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo: Đã tìm ra màu sơn gốc
Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam
Tu bổ công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo: Đã tìm ra màu sơn gốc - 1
Bức tranh thể hiện màu sơn gốc của công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo

Dựa trên một số bức ảnh màu cổ chụp về các công trình Hà Nội cho thấy đã có sự phối mầu giữa line vàng và line đỏ cùng với các đường chỉ giả gạch. Sau 100 năm, lớp màu có thay đổi nhất định, nhưng vẫn nhận ra được. Vì thế, màu mà công trình đang sử dụng dựa trên kết quả nghiên cứu trên các lớp vữa đã tìm ra được.

“Hiện nay, dự án chưa hoàn thiện, nhưng các gam màu cơ bản được dùng đúng như màu gốc của công trình ban đầu. Các bạn nhìn lên 2 tầng của tòa nhà thấy tầng trên chưa kẻ chỉ gạch. Tầng dưới đã kẻ chỉ gạch giống bản gốc của công trình thì chúng ta thấy dịu mắt hơn rất nhiều”, ông Emmanuel Cerise nói.

Tu bổ công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo: Đã tìm ra màu sơn gốc - 2
Bên ngoài công trình biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo

Ông Emmanuel Cerise cũng cho biết, trong thời gian gần đây, có một số dự án tôn tạo, trùng tu các biệt thự cổ Pháp đi theo hướng lựa chọn gam màu nhạt hơn, cố tình thể hiện nhuốm màu thời gian. Theo đánh giá của ông, đây không phải cách bảo tồn công trình thật sự. Bởi nếu cố tình làm nhạt màu theo thời gian, thì sau đó với tác động của mặt trời, mưa gió, thì màu lại nhạt tiếp. Lúc đó không còn đúng đặc điểm của công trình.

"Do đó, với công trình này thời gian tới sẽ có chút điều chỉnh các gam màu nhưng về cơ bản sẽ không thay đổi. Chúng tôi tôn trọng gam màu gốc của công trình như thế này", ông Emmanuel Cerise chia sẻ.

Tu bổ công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo: Đã tìm ra màu sơn gốc - 3
Bên trong của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo

Ông Emmanuel Cerise cũng khẳng định, đây là dự án trùng tu biệt thự cổ chứ không phải dự án khôi phục. Bởi nếu như khôi phục phải đưa về đúng hiện trạng như ban đầu công trình mới được xây dựng. Trong khi ở đây, khi bắt đầu dự án, một số bộ phận không thể khôi phục như: cầu thang, ống thang đã bị phá bỏ rất lâu, sàn gỗ bị phá bỏ; nền sân mới đã bị nâng lên hơn 40cm.

Tu bổ công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo: Đã tìm ra màu sơn gốc - 4
Gạch được trưng bày tại biệt thự 49 Trần Hưng Đạo

Yếu tố chuyên môn đặt lên hàng đầu

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, công trình trải qua nhiều năm, đã xuống cấp cũng như phai màu theo thời gian. Vì thế, với sự hỗ trợ của đối tác vùng Ile-de- France (Pháp), các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà bảo tồn đã nghiên cứu triển khai phương án trùng tu từ năm 2016. Sau đó, phía Pháp đưa ra một loạt nguyên tắc chuyên môn trong quá trình trùng tu.

Trong quá trình triển khai, các chuyên gia đã phát hiện nhiều tư liệu quý, ví như có nhiều vật liệu mang từ Pháp sang hoặc vật liệu địa phương hay kết hợp, đặc biệt là kỹ thuật xây dựng.

Khi triển khai trùng tu, các chuyên gia đã phát hiện ra màu sơn gốc, đó màu vôi đầu tiên của công trình. Ngoài ra, công trình được hoàn chỉnh bằng lớp vữa chát, là lớp vữa tam hợp gồm cát vôi, xi măng và chất liệu của màu sơn gốc cũng là chất vôi.

Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục hợp tác với vùng Ile-de- France để nghiên cứu, đánh giá công trình. Dù vậy, đây là công trình mẫu tu bổ nên yếu tố chuyên môn sẽ đặt lên hàng đầu.

Đối với kinh phí dự án, ông Long cho biết, toàn bộ phần hỗ trợ về kỹ thuật như nghiên cứu, cử chuyên gia sẽ do phía Pháp chi trả. Còn ngân sách là của quận Hoàn Kiếm khoảng 14 tỷ đồng. Ngoài ra, sau này phía Pháp cũng hỗ trợ trong việc trưng bày trong biệt thự.

Cũng theo ông Long, trong thời gian tới, UBND quận tiếp tục có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang công trình kiến trúc Pháp cổ trước năm 1954.

Theo Thanh Hiếu (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/tu-bo-cong-trinh-biet-thu-co-49-tran-hung-dao-da-tim-ra-mau-son-goc-post1526421.tpo