Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Tự tìm đơn thuốc trên mạng chữa Covid-19, F0 chảy máu tiêu hoá

Thời gian qua việc sử dụng thuốc bừa bãi đặc biệt là thuốc kháng viêm đã được các bác sĩ cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều người có tâm lý sợ bão Cytokine xảy ra với mình nên vẫn sử dụng với mong muốn phòng còn hơn chống. Tuy nhiên, lạm dụng corticoid có thể khiến cho bệnh nhân trở nặng nhanh hơn, lâu âm tính hơn thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Ngày 20/2, trao đổi với PV Infonet, Nguyễn Nhật Thắng – Quản trị viên nhóm Bác sĩ Quân y hỗ trợ F0 tại Hà Nội cho biết đã có F0 bị chảy máu tiêu hoá vì sử dụng Medrol, một loại thuốc kháng viêm được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 nhưng phải sử dụng theo đơn của bác sĩ.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc kháng viêm Dexamethasone 0,5 mg x 12 viên hoặc Methylprenisolon 16mg x 1 viên uống sau khi ăn. Đây là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng nhất và lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng thì tuyệt đối không dùng thuốc kháng viêm. Bởi thuốc kháng viêm là corticoid - nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể.

Cũng trên Infonet, BS Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết thuốc chứa Corticoid chỉ nên dùng khi có sự giám sát của bác sĩ. F0 điều trị tại nhà thì không sử dụng thuốc này khi không có hiện tượng sụt giảm Spo2.

Khi điều trị tại nhà, F0 chỉ cần tập trung điều trị theo triệu chứng, khi sốt trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, uống cách nhau 4-6 tiếng, người lớn không uống quá 650mg mỗi lần.

Nên thận trọng sử dụng hạ sốt Ibuprofen, nếu bạn dùng thuốc này nên được bác sĩ hướng dẫn chứ người bệnh không tự ý mua về dùng.

Nói về corticoid, BS Phúc cho biết thời kì đầu của đại dịch, do chưa hiểu hết về bệnh Covid, nên có giả thuyết cho rằng tình trạng viêm phổi nặng do bão Cytokine, vì thế mà dùng Corticocid sớm. Nhưng đến nay, Corticoid chỉ được dùng ở giai đoạn bệnh nặng có đông đặc nhu mô phổi, hiệu quả cũng chưa rõ ràng. Cá nhân bác sĩ khi tư vấn cho F0 cũng không tư vấn cho bệnh nhân điều trị tại nhà bằng Corticoid

Hiện trên thị trường có những thuốc sau là Corticoid: Methylprednisolone, Dexamethasone, Betamethasone, Prednisolone, Prednosone, Hydrocortisone, Triamcinolone, Beclonemethasone, Clonebetasone, Budesonide, Flourometholone, Fluocinolone… người bệnh cần xem xét thật kỹ các loại thuốc trước khi sử dụng.

BS Nguyễn Thành Tâm – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết thuốc chứa corticoid nằm trong gói thuốc B và sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu vừa dương tính F0 uống thuốc này sẽ làm giảm đi khả năng đáp ứng miễn dịch với các vi khuẩn, lúc đó sẽ nhiễm thêm vi khuẩn. Phổi tổn thương nặng, viêm hoại tử, khi máu vào trong phổi tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên việc điều trị sẽ dài, tỷ lệ tử vong cao.

Chưa kể, tác dụng phụ của thuốc còn tổn thương dạ dày nên việc dùng thuốc những người bị viêm loét dạ dày cần phải uống thêm cả thuốc dạ dày. Trong đợt dịch cao điểm ở các tỉnh phía Nam đã có nhiều bệnh nhân Covid-19 nguy kịch vì tình trạng lạm dụng thuốc. Vì vậy, BS Tâm khuyến cáo người bệnh hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc kháng viêm nằm trong gói B.

Tự tìm đơn thuốc trên mạng chữa Covid-19, F0 chảy máu tiêu hoá
Những đơn thuốc tràn lan trên mạng dành cho F0.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho biết trên VnExpress.net, Covid-19 xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp, sau đó, virus nhân lên trong các tế bào, thoát ra khỏi tế bào và xâm nhập các tế bào khác... Đây gọi là thời gian ủ bệnh.

Sau khi virus nhân lên với số lượng đủ lớn, cơ thể huy động các cơ chế bảo vệ để chống lại virus, đến một mức độ nào đó thì gây ra sốt, lúc này là thời điểm khởi phát các triệu chứng. Trong giai đoạn này, ngoài sốt có thể xuất hiện các triệu chứng khác như ho khan, đau họng, chảy nước mũi, nhức mỏi cơ xương khớp, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác/vị giác... Người bệnh có thể lo lắng, căng thẳng, ăn ngủ kém.

Virus có thể tiếp tục nhân lên trong khoảng 5-7 ngày nữa, sau đó giảm dần, do bị hệ miễn dịch của cơ thể chống lại. Nếu hệ miễn dịch không ngăn cản được sự nhân lên của virus thì diễn biến tiếp theo sẽ rất nặng và phải nhập viện.

Trong khoảng thời gian 7-10 ngày sau khi khởi phát, một số người bắt đầu có những diễn biến nặng hơn, với hai rối loạn nghiêm trọng là rối loạn đông máu và rối loạn đáp ứng miễn dịch. Rối loạn đông máu là quá trình hình thành các cục máu đông trong các mạch máu nhỏ ở phổi, có thể tạo các cục máu đông ở tất cả các cơ quan. Rối loạn đáp ứng miễn dịch gây viêm và tăng tiết dịch, phá hủy tổ chức, đầu tiên ở phổi sau đó đến toàn bộ các cơ quan. Tình trạng này gây ra suy hô hấp và suy các cơ quan quan trọng khác. Các rối loạn này được chỉ ra là do cơn bão cytokine, khi các yếu tố miễn dịch được kích hoạt quá mạnh, mất kiểm soát, gây hại đến chính cơ thể người bệnh.

Như vậy, để điều trị Covid-19, ngoài việc điều trị triệu chứng, hiện có một số loại thuốc: thuốc kháng virus tác động vào quá trình nhân lên của virus; thuốc kháng đông tắc động vào quá trình đông máu; thuốc kháng viêm corticoid tác động vào quá trình rối loạn miễn dịch. F0 dùng các thuốc này cần có những lưu ý sau:

Thuốc kháng virus (favipiravir 200/400 mg, molnupiravir 200/400 mg) chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Mỗi đợt nên dùng 5-10 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn. Khi đang dùng thuốc kháng virus, không được dùng kết hợp với thuốc kháng viêm corticoid.

Thuốc kháng đông: Bệnh nhân có bệnh nền về van tim, bệnh tiểu đường, bệnh xơ vữa mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, ít vận động... đều có nguy cơ dễ tạo cục máu đông, từ đó gây tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Với các bệnh nhân này, dù có nguy cơ Covid-19 hay không, đều cần dự phòng bằng việc uống thuốc kháng đông hàng ngày.

Quá trình đông máu khá phức tạp, tuy nhiên các loại thuốc hiện nay chủ yếu tác động vào hai mắt xích quan trọng, thứ nhất là thuốc chống kết tập tiểu cầu. Khi các tiểu cầu không tụ tập với nhau thành một đám thì không thể tạo thành cục máu đông. Thuốc thông dụng là acid salicylic hay aspirin hàm lượng thấp (75-200 mg) uống hàng ngày, ngoài ra là thuốc clopidogrel 75 mg dùng hàng ngày. Có thể chỉ dùng hoặc aspirin hoặc clopidogel hoặc phối hợp cả hai loại.

Thứ hai là nhóm ức chế yếu tố 10 hoạt hóa. Khi không có yếu tố này thì cũng không thể tạo thành cục máu đông. Các thuốc thông dụng là rivaroxaban hay apixaban.

Tuy nhiên với người bình thường, thuốc kháng đông có nguy cơ gây chảy máu, do đó những người đang chảy máu (xuất huyết dạ dày, kinh nguyệt...), những người bị các chứng bệnh dễ chảy máu (giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu...) không được dùng để dự phòng. Chỉ dùng khi SpO2 xuống dưới 95% hoặc xuất hiện khó thở. Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng khó thở là do căng thẳng, do tâm lý nên cần thận trọng khi tự đánh giá mình có khó thở hay không. Khi sử dụng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.

11 dấu hiệu F0 điều trị tại nhà cần lưu ý để được xử trí cấp cứu kịp thời

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

- Nhịp thở: Người lớn, nhịp thở ≥ 20 lần/phút; trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, nhịp thở ≥ 40 lần/phút; trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, nhịp thở ≥ 30 lần/phút. Lưu ý ở trẻ em, đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.

- SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

- Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...

- Mắc thêm bệnh cấp tính: Sốt xuất huyết, tay chân miệng...

- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

Lờii khuyên về chế độ ăn uống để phục hồi COVID-19:

- Chất tăng cường miễn dịch hàng đầu là vitamin D, có nguồn gốc từ ánh sáng mặt trời, thuốc bổ sung và chất béo lành mạnh.

- Cần bổ sung protein bởi protein chịu trách nhiệm sản xuất tế bào miễn dịch.

- Chanh, dâu tây, cam là những nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng miễn dịch.

- Nhận axit béo omega-3 từ cá, hạt lanh, hạt óc chó, hạt chia và kẽm từ các loại hạt, cua, các loại đậu.

- Cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách bổ sung sữa chua, collagen như nước hầm xương và súp gà, cùng với một số prebiotics như măng tây, tỏi, atisô và khoai tây.

- Kết hợp các nguồn giàu chất sắt như chà là, đu đủ, sung, thịt bò, thịt gà để xua tan mệt mỏi.

- Bao gồm các loại gia vị như gừng và nghệ để giảm viêm.

- Uống 8-10 ly hoặc tối đa 3 lít nước để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước.

- Ăn trái cây hàng ngày bao gồm ổi, táo, chuối, dâu tây, dưa lưới, bưởi, dứa, đu đủ, cam, nho đen.

- Ăn các loại rau tươi như ớt chuông xanh, tỏi, gừng, chanh, rau mùi, bông cải xanh, cùng với các loại đậu như đậu lăng.

- Bao gồm ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt như ngô chưa qua chế biến, yến mạch, lúa mì, kê, gạo lứt, hoặc các loại củ như khoai mỡ, khoai tây, khoai môn hoặc sắn để đáp ứng tỷ lệ chất xơ và chất béo lành mạnh.

Những điều cần tránh trong quá trình hồi phục

- Tránh các loại thịt chế biến sẵn vì chúng có nhiều chất béo và muối.

- Loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán,…

- Ngừng hút thuốc và uống rượu vì nó làm suy giảm chức năng miễn dịch.

NT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tu-tim-don-thuoc-tren-mang-chua-covid-19-f0-chay-mau-tieu-hoa-tintuc810711