Xã hội

Vì sao đèn trời có thể xuyên qua không phận nhiều nước, vượt hơn 1.000km từ Myanmar hạ cánh ở Phú Thọ?

Theo cơ quan chức năng, “vật thể lạ” rơi tại cánh đồng ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) là khinh khí cầu, người dân thả từ Kayin (bang Karen, Myanmar) nhân dịp ngày Tết Karen.

Liên quan đến "vật thể lạ" rơi tại cánh đồng ở xã Đông Thành (H.Thanh Ba, Phú Thọ), trao đổi với báo Thanh niên, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch UBND H.Thanh Ba, cho biết bước đầu lực lượng chức năng xác định đó là khinh khí cầu và đã xác minh được nguồn gốc bay đến.

Ông Thành cho biết, miệng của “vật thể lạ” có đường kính khoảng 1 m giống quả kinh khí cầu, dài khoảng 10 m, dán nhiều ảnh Triển Chiêu (một nhân vật trong phim Bao Thanh Thiên), bên trong chứa nhiều tấm vải, tiền nước ngoài và một tờ giấy viết chữ nước ngoài.

Vì sao đèn trời có thể xuyên qua không phận nhiều nước, vượt hơn 1.000km từ Myanmar hạ cánh ở Phú Thọ?
Bức thư tay được tìm thấy trong "vật thể lạ" rơi tại Phú Thọ đêm 2-1 - Ảnh: Mạng xã hội

Qua dịch thuật, nội dung trong tờ giấy thể hiện quả khí cầu được người dân thả từ Kayin (bang Keren, Myanmar; cách điểm rơi xuống hơn 1.000 km) nhân kỷ niệm ngày Tết Karen.

Ngay sau khi thông tin về "vật thể lạ" trên được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người xôn xao. Kèm theo đó hình ảnh tờ tiền và bức thư tay được dán trên "vật thể lạ" cũng được chụp lại và chia sẻ trên MXH.

Sau khi hình ảnh bức thư tay trên được báo chí đăng tải, một nữ nhà báo người Myanmar lược dịch nội dung bức thư được viết bằng ngôn ngữ Myanmar gửi cho Tuổi Trẻ Online.

Theo đó, bức thư có nội dung như sau: "Làng Hteephoekan và Khonekalay, thị trấn Paing Kyone, quận HlaingBwe, bang Karen (Myanmar). Ngày năm mới Karen 2/1/2022, chúng tôi là: danh sách 12 cái tên (bao gồm 11 cái tên của người Karen), chúng tôi là chủ sở hữu của khinh khí cầu này.Chúng tôi muốn biết khinh khí cầu này rơi ở đâu, nếu bạn phát hiện nó, xin vui lòng gọi số điện thoại này 09781552031".

Vì sao đèn trời có thể xuyên qua không phận nhiều nước, vượt hơn 1.000km từ Myanmar hạ cánh ở Phú Thọ? - 1
Những hình ảnh về khí cầu tự chế ở Myanmar được cư dân mạng chia sẻ

Câu hỏi đặt ra là vì sao chiếc đèn trời với kích thước lớn có thể bay qua không phận của nhiều nước và hạ cánh tại một tỉnh nằm sâu trong nội địa Việt Nam, trước sự bất ngờ của nhà chức trách địa phương.

Phân tích về "vật thể bay" tại Phú Thọ, một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát không lưu cho rằng sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng nếu chiếc đèn trời này đáp xuống khu vực một sân bay tại Việt Nam.

"Trong trường hợp đó, các nhân viên kiểm soát không lưu có thể phát hiện đèn trời thông qua quan sát bằng mắt thường. Hoạt động bay có thể bị gián đoạn để xử lý vật thể lạ", vị này cho biết.

Không chỉ uy hiếp không lưu, các vật thể như đèn trời còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn khi đáp xuống mặt đất.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã nghiêm cấm hành vi thả đèn trời từ năm 2009. Quy định này được thực hiện nghiêm ngặt đến mức hoạt động thả đèn trời truyền thống trong các lễ hội cũng không được cho phép.

Trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, một sĩ quan công tác tại quân chủng phòng không - không quân cho biết hệ thống radar sẽ khó phát hiện được những vật thể bay không làm bằng kim loại, độ phản xạ với radar kém và không có sự điều khiển như các loại máy bay khác.

Để phát hiện ra chiếc đèn trời, chủ yếu sử dụng mắt thường và các công cụ hỗ trợ như kính ngắm TZK.

Vị sĩ quan cho biết ban chỉ huy quân sự cấp quận, huyện, đều có lực lượng được trang bị kính ngắm TZK để canh trực vùng trời, phát hiện các vật thể bay xâm nhập và xử lý theo chỉ lệnh.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/vi-sao-den-troi-co-the-xuyen-qua-khong-phan-nhieu-nuoc-vuot-hon-1000km-tu-myanmar-ha-canh-o-phu-tho-tintuc804187