Xã hội

Việt Nam xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Sáng 18/5, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức toạ đàm “Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam”.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử dựa trên các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tham khảo bài học của nhiều nước với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung cấp và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.

Việt Nam xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chủ trì toạ đàm. Ảnh: Việt Linh.

Không lạm dụng chức vụ khi tương tác mạng xã hội

Ông Đỗ Quý Vũ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, (Bộ Thông tin và Truyền thông), khẳng định bộ quy tắc giúp người sử dụng có những hành vi đúng đắn trên mạng xã hội.

Là người nghiên cứu đề án, ông Quý đưa ra bài học kinh nghiệm của các nước. Ở Anh, công chức phải quan tâm đến việc bình luận về các chính sách của Chính phủ và tránh nhận xét những vấn đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Bhutan cũng ban hành Chính sách Truyền thông Xã hội áp dụng với các cơ quan Chính phủ và dành cho người dân...

Ông đề xuất bộ quy tắc ứng xử nên dựa trên các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng pháp luật, minh bạch, lành mạnh và đảm bảo thông tin bảo mật. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cần công khai, minh bạch danh tính cá nhân chịu trách nhiệm quản trị đưa thông tin lên mạng xã hội, thực hiện tương tác lành mạnh, bảo mật thông tin.

"Những đơn vị này nên nhanh chóng phản hồi câu hỏi, thông tin trái chiều, nghi vấn về những vấn đề nằm trong chức năng quyền hạn", ông Vũ chia sẻ.

Việt Nam xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội - 1
Ông Đỗ Quý Vũ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Việt Linh.

Với các cán bộ, công chức, viên chức, vị Phó viện trưởng cho rằng nhóm đối tượng này nên sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quảng bá về đất nước con người, văn hoá Việt Nam.

"Không nên sử dụng từ ngữ gây thù hằn, ủng hộ thông tin sai lệch, hay lạm dụng chức vụ quyền hạn khi tương tác", ông nói.

Mỗi người dùng mạng xã hội phải đọc 2-3 bộ quy tắc?

Đóng góp ý kiến cho bộ quy tắc ứng xử, ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại, đưa ra ví dụ trường hợp nhiều người sử dụng mạng xã hội cố tình nói từ ngữ bạo lực, tục tằn để thu hút lượng người like, bình luận.

“Bộ quy tắc cần tính bao trùm, chứ không nên phân tán đối tượng. Sau 8 tiếng làm công chức ở cơ quan, tôi trở về nhà và là công dân bình thường. Chả lẽ tôi phải đọc 2-3 bộ quy tắc dành cho những đối tượng khác nhau”, ông Huynh đặt vấn đề. Bên cạnh đó, vị này cho rằng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và khéo léo.

Việt Nam xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội - 2
Biểu đồ tỷ lệ các trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Nguồn: VPIS. Ảnh: Trà My.  

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, góp ý bộ quy tắc nên quy định phát ngôn, hình ảnh và thái độ của người dùng. “Ngoài bộ quy tắc riêng cho toàn xã hội, cần xây dựng các quy tắc riêng cho nhóm công chúng cụ thể như trong gia đình, trường học, công ty hay các cơ quan hành chính Nhà nước”, ông Phúc nói.

Phát biểu kết luận toạ đàm, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, cho rằng cần lấy ý kiến người tham gia mạng xã hội càng nhiều càng tốt, trước khi ban hành.

Ông Tuấn so sánh xây dựng bộ quy tắc như quy ước dành cho những người tham gia mạng xã hội. “Chúng ta không hạn chế dùng mạng xã hội, song hoạt động phải văn minh, đạo đức, tạo môi trường lành mạnh, đẩy lùi tiêu cực”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Theo Trà My (Tri Thức Trực Tuyến)