Công nghệ

Số vụ cài cắm mã độc nhằm vào doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh

Theo báo cáo từ công ty an ninh mạng Kaspersky, trong 2 năm qua, số vụ tấn công mã độc nhằm vào hệ thống của doanh nghiệp Việt Nam đã giảm đi trông thấy.

Số liệu của Kaspersky cho thấy, có 17,83 triệu mối đe dọa an ninh mạng nhằm vào các doanh nghiệp Việt Nam bị hệ thống giải pháp doanh nghiệp của công ty này đánh chặn trong năm 2022. 

Đây là những chương trình độc hại được cài đặt trên máy tính người dùng hoặc các thiết bị lưu trữ như ổ đĩa flash (USB), thẻ nhớ máy ảnh, điện thoại hay các loại ổ cứng di động, bộ cài phần mềm,... Đó cũng có thể là những mã độc thâm nhập vào máy tính thông qua các chương trình cài đặt phức tạp, các tệp tin được mã hóa,...

Theo báo cáo của Kaspersky, có 33,8 triệu mối đe dọa tương tự nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Con số này là 23,2 triệu mối đe dọa năm 2021. Như vậy, có thể thấy, trong 3 năm qua, số lượng các vụ tấn công nhằm vào các doanh nghiệp Việt Nam đang có chiều hướng giảm dần.

Số vụ cài cắm mã độc nhằm vào doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh
Hệ thống theo dõi các mối nguy về an ninh mạng của một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Xét trên bình diện Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 2 về số lượng mối đe dọa an ninh mạng nhằm vào các doanh nghiệp năm 2022. Số lượng hiểm họa an ninh mạng được phát hiện tại Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia với 19,6 triệu vụ. 

Trong 6 nền kinh tế mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Malaysia, các mối đe dọa về an ninh mạng nhằm vào doanh nghiệp trong 3 năm qua đều có xu hướng giảm dần. Thực tế cho thấy, năm 2020 và 2021 cũng được xem là đỉnh điểm của các vụ tấn công mạng và cài cắm mã độc khi mọi hoạt động làm việc, học tập đều được đẩy lên môi trường mạng. 

Theo ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky Đông Nam Á, mặc dù số lượng các mối đe dọa an ninh mạng đang có chiều hướng giảm, những chiếc USB và ổ đĩa di động chứa mã độc có thể xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp bất cứ lúc nào. 

Để chống lại các tác nhân độc hại này, chỉ phần mềm diệt virus thôi là không đủ. Các doanh nghiệp vẫn cần đến nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ như sử dụng tường lửa, hạn chế sử dụng các thiết bị bên ngoài để đưa dữ liệu vào trong hệ thống. Song song với đó, đội ngũ CNTT trong các doanh nghiệp cũng phải thường xuyên tập huấn, trau dồi kỹ năng nhằm đối phó với các cuộc tấn công mạng có thể xảy đến trong tương lai. 

Theo Trọng Đạt (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/so-vu-cai-cam-ma-doc-nham-vao-doanh-nghiep-viet-nam-giam-manh-2143953.html