Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

5 nhóm thuốc nên có sẵn khi nhà có trẻ là F0

Những ngày này, số trẻ mắc Covid-19 tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng. Có những gia đình cả gia đình đều trở thành F0 trong đó có tới 2- 3 em nhỏ. Điều này khiến không ít bố mẹ hoang mang không biết chăm sóc cho con ra sao khi trẻ còn quá nhỏ.

Bác sĩ Nhi khoa Mạnh Cường, cho biết, việc điều trị trẻ mắc Covid-19 cũng giống như người lớn, nghĩa là "con có triệu chứng gì, cha mẹ cho uống thuốc điều trị triệu chứng đó chứ không nên lạm dụng thuốc hay quá hoang mang dẫn đến bị người khác lợi dụng". Do đó, phụ huynh không cần quá lo lắng, căng thẳng.

1. Thuốc hạ sốt

Khi bé sốt trên 38,5 độ, nếu có tiền sử giật thì trên 38 độ, cha mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt.

- Với bé dưới 12 tháng: dùng viên đạn đặt hậu môn Efferalgan 80-150 mg.

- Bé từ 1 tuổi: dùng dạng bột, siro như paracetamol 150 mg, 250 mg.

5 nhóm thuốc nên có sẵn khi nhà có trẻ là F0

Cha mẹ lưu ý nếu sau 2-3 giờ, con không hạ sốt, cần dùng Ibuprofen siro xen kẽ với Paracetamol. Liều Paracetamol từ 10-15 mg/kg, Ibuprofen liều 8-10 mg/kg.

Phụ huynh cũng cần kết hợp chườm ấm trán, nách, bẹn và nới lỏng quần áo, nhiệt độ phòng cần mát, không quá lạnh.

2. Nhóm các thuốc chữa ho

Bé ho nhiều sẽ ảnh hưởng tới ăn uống, bú, ngủ nghỉ, chơi, học tập. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giảm cơn ho. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú nhiều bữa hơn. Trẻ lớn hơn có thể bổ sung thêm nước hoa quả để tăng cường vitamin và khoáng chất, giúp nâng cao sức đề kháng. Sử dụng máy phun sương, tăng độ ẩm không khí cũng giúp trẻ dễ chịu hơn. Với trẻ lớn, cha mẹ có thể hướng dẫn con súc miệng bằng nước muối loãng, ấm 5 - 6 lần một ngày.

Các loại thuốc dưới đây cần dùng theo chỉ định của bác sĩ gồm:

- Thuốc ho: Methopan siro, AT deslotaradin, Halixol, U-thel syrupt...

- Xịt mũi: Olyfrin, Otrivin Xitrat...

- Nhỏ Otriven 0.025% (bé dưới 2 tuổi); Otrivin (bé trên 2 tuổi) khi bé ngạt mũi. Tùy vào nồng độ để chọn cho bé.

- Nước muối sinh lý ấm để nhỏ vào mũi hoặc dùng chai xịt chứa nước biển sâu để rửa mũi, ngày 5-6 lần

3. Thuốc long đờm

Thuốc long đờm nên dùng khi trẻ ho có đờm hoặc đờm quá đặc không khạc ra được. Cha mẹ cần tránh dùng cùng lúc thuốc long đờm với thuốc giảm ho và lạm dụng kháng sinh. Trước khi sử dụng, phụ huynh nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

5 nhóm thuốc nên có sẵn khi nhà có trẻ là F0 - 1

4. Bù Oresol

Khi bé bị sốt cao, nôn nhiều, đi ngoài nhiều (đi hơn 3 lần một ngày, phân lỏng hoặc tóe nước), cha mẹ cần bù điện giải cho con.

- Với trẻ dưới 1 tuổi: cho uống 5-10 ml Oresol mỗi 5 phút (khoảng một thìa hoặc bơm tiêm không kim). Nếu chưa có Oresol, mẹ có thể vắt sữa và cho bé uống bằng thìa.

- Với trẻ trên 1 tuổi: cho uống 5-15 ml Oresol (tùy theo tuổi), mỗi 5 phút một lần.

Mẹ không được pha Oresol vào sữa để cho con uống. Hiện tại, các cửa hàng thuốc đều có gói bột Oresol vị cam hoặc cha pha sẵn.

Với những trẻ bị đi ngoài (lớn hơn 3 lần một ngày, phân lỏng hoặc tóe nước), ngoài việc bù Oresol, cha mẹ cũng cần bổ sung kẽm và vitamin C, men vi sinh Virvic, enterogermina... hoặc có thể sẽ phải dùng kháng sinh ( dùng đủ 7-10 ngày, uống đúng liều và cần có chỉ định của bác sĩ)

5. Bổ sung các vitamin và chất khoáng

Trẻ nhiễm Covid-19, cơ thể sẽ mệt mỏi, đặc biệt nếu sốt cao. Do đó, trẻ nhỏ cần tăng cường bú mẹ. Trẻ lần có thể uống nước ép hoa quả, bổ sung Multivitamin, vitamin nhóm B, D.

Nếu bé nôn trớ nhiều (thường bé 1-2 tuổi), mẹ không cho bé bú nhiều một lần mà chia nhiều bữa nhỏ; sau bú không nằm ngay, hoặc nên nằm đầu cao, cho con bú đúng tư thế.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/5-nhom-thuoc-nen-co-san-khi-nha-co-tre-la-f0-tintuc811853