Gia đình

Cứu sống bệnh nhi 6 tháng tuổi đã ngừng tim

Ngày 23.2, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh vừa cấp cứu thành công, cứu sống bệnh nhi 6 tháng tuổi bị sốt cao, co giật, ngừng tim cứng toàn thân.

Ngày 19.2, bé Phùn Văn Tuấn (6 tháng tuổi, thường trú tại thôn Pẹc Nả, xã Bắc Sơn, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nhập viên tại Trung tâm y tế TP.Móng Cái trong tình trạng nôn nhiều, sốt cao, đại tiện phân lỏng.

Gia đình bé cho biết, khi sinh mẹ bé xuất hiện cơn ngừng thở, ngừng tim do mẹ bé bị hội chứng Hellp. Đây là một  cấp cứu sản khoa rất nghiêm trọng ở các sản phụ. Sau sinh 6 tháng bé phát triển bình thường được 6kg, đã biết lẫy, lật và hóng chuyện. Đến ngày 22.2, bé xuất hiện sốt cao trở lại, co giật liên tục, giật toàn thân, cơn giật kéo dài nên đã được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị.

Tại Bệnh viện Sản Nhi bé Phùn Văn Tuấn lơ mơ, nhã cầu đảo ngược, gồng cứng toàn thân, sốt cao trên 40 độ C… Sau khi thăm khám, chụp CT-Scanner, XQ, làm các xét nghiệm sinh hóa và tiến hành hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trạng thái động kinh. Các bác sỹ đã tiến hành theo dõi viêm não-màng não. Tiên lượng bệnh nhân nặng, bé được chỉ định an thần, dùng kháng sinh kết hợp, đặt catheter động mạch quay, chống phù não và chọc dịch não tủy khi hết co giật tránh gây tổn thương não ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ của trẻ.

Cứu sống bệnh nhi 6 tháng tuổi đã ngừng tim
Bệnh nhi được cấp cứu thành công, sức khỏe đã ổn định.

Sau khi được cấp cứu kịp thời, hiện tại tình trạng của bé đã ổn định hơn, bé ngủ, không co giật, nhịp tim đều, ăn sữa qua sonde 60ml/lần x 3h/lần nhưng sẽ phải theo dõi về các di chứng thần kinh của bé. Kíp thủ thuật do bác sỹ Phí Xuân Thi và các kỹ thuật viên Khoa Hồi sức cấp cứu tiến hành.

Bác sĩ Phi Xuân Thi cho biết: Co giật là một cấp cứu thần kinh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Trong khi co giật trẻ sẽ bị thiếu ôxy não nên có thể gây tử vong ngay lập tức hoặc để lại di chứng phát triển tinh thần vận động nếu cơn co giật kéo dài. Để phòng ngừa bệnh viêm màng não nên tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, tuyệt đối giữ ấm, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và lúc có dịch cảm cúm, điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm mũi họng hay viêm tai.

Trường hợp nếu trẻ có sốt kết hợp co giật hay có biểu hiện bất thường khác như lơ mơ, nôn ói, gồng cứng... thì nên đi khám càng sớm càng tốt vì dư hậu của bệnh viêm màng não tùy thuộc vào bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Theo Nguyễn Thế Thiêm (Dân Việt)