Gia đình

Uống nước chanh nóng buổi sáng có tốt không? Nhiều người cố uống để giải độc gan, tác dụng thật hóa ra rất khác

Nhiều người uống nước chanh nóng buổi sáng để sạch ruột, giải độc gan nhưng các chuyên gia y tế cho biết nó có thể gây hại nhiều hơn bạn nghĩ.

Nhiều người có thói quen uống một cốc nước nóng với vài lát chanh buổi sáng, ngay cả những người nổi tiếng như nữ ca sĩ Beyoncé hay nữ diễn viên Jennifer Aniston cũng có thói quen như vậy.

Hầu hết họ đều tin rằng loại đồ uống này tốt cho gan và tăng cường hệ tiêu hóa nhưng thực tế có ít bằng chứng y tế chứng mình uống nước chanh nóng có thể đạt được hiệu quả như vậy. Thậm chí nếu lạm dụng còn có thể khiến bạn gặp một số vấn đề sức khỏe.

Gây hại cho răng

Nha sĩ Hannah Woolnough, phát ngôn viên của Hiệp hội Nha khoa Anh cho biết: “Nước nóng và chanh nhiều lần bị hiểu nhầm là thuốc chữa nhiều bệnh. Nhưng điều đáng báo động là thói quen này có thể gây hại cho răng của bạn và trong nhiều trường hợp bạn sẽ không thể thay đổi hậu quả đó".

Nha sĩ Hannah Woolnough cho biết thêm khi thường xuyên uống nước chanh nóng, men răng sẽ bị mòn và có thể mở đường cho vi khuẩn gây sâu răng hoặc nhiễm trùng. Nó cũng làm cho răng bị đổi màu do men răng vốn có màu trắng bị mài mòn để lộ lớp ngà răng bên dưới có màu vàng.

Tổn thương men răng cũng có thể gây đau răng vì nó làm lộ các đầu dây thần kinh bên dưới và thậm chí sâu răng. Nếu sâu răng lan rộng đến tủy răng và gây nhiễm trùng, điều này có thể dẫn đến điều trị tủy hoặc thậm chí phải nhổ bỏ răng.

Uống nước chanh nóng buổi sáng có tốt không? Nhiều người cố uống để giải độc gan, tác dụng thật hóa ra rất khác
Uống nước chanh nóng có thể gây tổn hại tới men răng. (Ảnh minh họa)

Nha sĩ Nilesh Parmar, người điều hành Nha khoa Parmar ở Esex (Anh), cũng đồng ý: "Tôi biết rất nhiều bệnh nhân uống nước ấm và chanh và tôi thực sự ước họ sẽ không làm thế. Họ làm điều đó với niềm tin sai lầm rằng họ đang làm những điều lành mạnh cho sức khỏe".

Nilesh Parmar cho biết chính axit của chanh cùng với sức nóng từ nước nóng đã tạo ra "cơn bão hoàn hảo" khuyến khích xói mòn và dẫn đến thối rữa răng. Đó là bởi vì chanh có tính axit tạo môi trường tốt hơn cho vi khuẩn có hại sinh sống và những vi khuẩn này tạo ra nhiều axit hơn để khử vôi răng.

Còn nước nóng có thể làm trầm trọng thêm tác động này bằng cách làm cho men răng giãn ra và co lại nhanh chóng, làm tăng thêm nguy cơ xói mòn men răng dẫn đến răng nhạy cảm, sâu răng và thậm chí là mất răng.

Mặc dù nước bọt có thể phần nào giúp cản trở và giảm thiểu tác hại do axit gây ra nhưng nếu bạn uống quá nhiều hay sử dụng nước chanh ấm trong thời gian dài hay suốt cả một ngày thì cũng không thể ngăn chặn hậu quả. Thực tế nhiều người không chỉ uống 1 cốc nước chanh nóng buổi sáng mà họ có thể nhâm nhi nó suốt cả ngày vì cho rằng lành mạnh.

Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2018 của Đại học King's College London đã phát hiện ra rằng những người uống nước có lát chanh hoặc trà nóng có hương vị trái cây giữa các bữa ăn có nguy cơ bị mòn răng ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng cao hơn 11 lần so với những người không uống.

Không có tác dụng giải độc gan

Tuy nhiên, loại đồ uống này không chỉ gây hại cho răng mà còn không có gì chứng minh cho việc uống nước chanh nóng sẽ làm sạch hoặc giải độc gan như nhiều người vẫn tin.

Giáo sư David Lloyd, bác sĩ phẫu thuật gan tại Bệnh viện Hoàng gia Leicester cho biết: "Để giải độc cho gan như nhiều người nói hay đúng hơn là chữa lành tổn thương cho gan, bạn phải ngừng làm những việc khiến gan làm việc quá sức và gây ra vấn đề ngay từ đầu chẳng hạn như uống rượu hoặc dùng thuốc bừa bãi.

Kết hợp với việc uống khoảng hai lít nước mỗi ngày sẽ giúp gan khỏe mạnh. Một ly nước nóng và chanh không thể đạt được điều này. Hơn nữa, công việc của gan là giải độc, không có cái gọi là giải độc cho gan".

Uống nước chanh nóng buổi sáng có tốt không? Nhiều người cố uống để giải độc gan, tác dụng thật hóa ra rất khác - 1
Nước chanh nóng không có tác dụng giải độc gan như nhiều người tin tưởng. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Steven Mann, chuyên gia tư vấn về tiêu hóa tại Royal Free London NHS Foundation Trust, cho biết bằng chứng về việc sử dụng nước chanh nóng như một chất hỗ trợ tiêu hóa cũng rất ít.

Ông thẳng thừng bác bỏ ý kiến ​​của một số chuyên gia dinh dưỡng gợi ý rằng nước chanh sẽ kích thích dịch vị và cải thiện nhu động ruột. Ông nói: “Điều duy nhất mà nước chanh nóng có tác dụng là thay thế chất lỏng, giúp cơ thể đủ nước, nhưng điều đó phụ thuộc vào nước chứ không phải chanh. Hơn nữa, những người dễ bị trào ngược dạ dày thực quản nếu uống nước chanh sẽ càng làm bệnh trầm trọng vì nó có tính axit".

Nếu bạn thực sự muốn uống nước chanh, hãy giảm thiểu tác hại bằng cách pha chanh với nước lạnh hoặc chỉ hơi âm ấm. Đồng thời bạn nên sử dụng ống hút để giúp giảm sự tiếp xúc giữa thức uống có tính axit và răng của bạn, giảm nguy cơ xói mòn men răng.

Ngoài ra, sau khi uống xong, bạn hãy súc miệng ngay bằng nước thường. Điều này sẽ rửa axit ra khỏi miệng. Hoặc bạn có thể nhai kẹo cao su không đường sau khi uống nước chanh để kích thích tiết nước bọt, thứ sẽ làm giảm sự tấn công của axit.

Tóm lại, hãy nhớ rằng việc tiếp xúc với bất kỳ loại axit nào trong chế độ ăn uống đều có thể gây tổn thương răng không thể phục hồi. Tất nhiên một số loại trái cây có chứa axit nhưng đừng vì những lý do trên mà từ bỏ chúng, chỉ cần sử dụng một cách điều độ là đủ.

Theo Hoàng Dương (Phụ Nữ & Pháp Luật)




https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/uong-nuoc-chanh-nong-buoi-sang-co-tot-khong-nhieu-nguoi-co-uong-de-giai-doc-gan-tac-dung-that-hoa-ra-rat-khac-a595854.html