Bộ phim kinh dị của nữ đạo diễn Coralie Fargeat có nhiều hình ảnh gây ám ảnh, có thể khiến khán giả yếu tim ngất trong rạp.
Body horror (kinh dị thể xác) là một trong những dòng phim kén khán giả bậc nhất khi khai thác hình ảnh tổn thương cơ thể gớm ghiếc, ghê rợn. Nhiều người còn coi đây là thể loại "rẻ tiền” khi dùng yếu tố 18+ và máu me để câu khách. Nhưng The Substance (tựa Việt: Thần Dược) đã thay đổi định kiến trên với một câu chuyện nhiều nút thắt và ý nghĩa.
Nhân vật chính của The Substance là Elizabeth Sparkle (Demi Moore) - một minh tinh Hollywood vừa bước sang tuổi 50. Cô bị xem là hết thời và già nua nên các chương trình, nhãn hàng lần lượt kết thúc hợp đồng. Trong lúc bế tắc, Elizabeth tìm đến một loại "thần dược” có tên The Substance. Từ thân xác của cô, một phiên bản trẻ hơn tách ra và lấy tên Sue (Margaret Qualley). Nhờ nhan sắc trời phú và cơ thể nóng bỏng, cô nàng nhanh chóng trở thành ngôi sao mới của Hollywood. Nhưng sự thật rùng rợn phía sau cũng dần hé lộ.
Ý tưởng độc đáo, kịch bản nhiều nút thắt
Câu chuyện dùng “thần dược” để trẻ lại không mới nhưng cách The Substance triển khai rất khác các tác phẩm khác. Thay vì trẻ lại, Elizabeth lại sinh ra một thân xác mới. Khi Sue tỉnh thì Elizabeth ở trong trạng thái ngủ và ngược lại. Cả hai phải giữ "sự cân bằng”, hoán đổi vị trí mỗi 7 ngày. Mỗi đợt giao hàng, công ty bí ẩn kia cũng chỉ cho dưỡng chất nuôi thân xác đang ngủ trong 7 ngày. Ngoài ra, Sue còn phải dùng một loại dịch lấy ra từ cơ thể Elizabeth để tránh bị mục ruỗng.
Có thể nói, thân xác của Sue và Elizabeth phụ thuộc lẫn nhau. Nếu cả hai tuân thủ “sự cân bằng” thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra và Elizabeth luôn có thể chấm dứt sự sống của Sue. Nghe thì đơn giản nhưng sự thật chẳng hề như vậy. Bộ phim cho thấy tâm lý tuyệt vọng và sợ hãi của những người lớn tuổi khi thấy cơ thể mình dần một già nua, nhăn nheo, mất dần sức sống. Họ nhớ nhung, luyến tiếc một thời tuổi trẻ bùng nổ và lo lắng trước sự tàn phá của thời gian và những gì sắp xảy đến.
Những người như Elizabeth còn khao khát tuổi thanh xuân hơn vì nó gắn liền với danh tiếng, tiền bạc… Một khi đã tìm đến “thần dược” thì nó như một thứ thuốc gây nghiện, không thể nào dừng lại được. Sue ngày càng muốn có nhiều thời gian trong thân xác trẻ trung, nhận vô vàn thứ hào quang rực rỡ ấy. Những nhà sản xuất vây quanh cô xu nịnh, khán giả phát cuồng vì cô, những gã trai trẻ thèm khát cô, ngay cả gã hàng xóm cộc cằn cũng thay đổi thái độ 180 độ khi thấy Sue.
Dù nhiều lần Elizabeth muốn dừng lại nhưng đạo diễn khéo léo tạo ra các tình huống để cô không thể thoát khỏi cơn “nghiện” tuổi trẻ. Càng ngày, nữ minh tinh già nua càng lớn sâu hơn, càng bị đẩy vào tình huống không thể tiến tới cũng chẳng thể quay đầu. Cô đã đánh mất quá nhiều cho “thần dược”, nếu dừng lại sẽ khiến mọi công sức tan thành mây khói, nhưng nếu đi tiếp thì hậu quả sẽ càng khó lường hơn. Các nút thắt được cài cắm để người xem không thấy nhàm chán dù phim rất nặng về mặt tâm lý.
Có thể nói, The Substance là một bộ phim thuộc dạng “style over substance” (phong cách lớn hơn nội dung). Để phục vụ cho các ẩn ý và nút thắt bất ngờ, nữ đạo diễn Coralie Fargeat đã bỏ qua kha khá yếu tố logic. Nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải quyết như danh tính bí ẩn của những kẻ đứng sau “thần dược”, Sue và Elizabeth có phải là cùng một người hay hai cá thể khác nhau… Phim có khá nhiều lỗ hỏng nhưng có thể chấp nhận được nếu hiểu rõ những gì đạo diễn muốn truyền tải.
Đậm chất 18+ và kinh dị cơ thể
Là một bộ phim trực tiếp nói về sự khác biệt của tuổi trẻ và sự già nua, The Substance có rất nhiều cảnh khỏa thân trần trụi. Phim đặc biệt nhấn mạnh cơ thể nóng bóng của Sue so với Elizabeth. Đạo diễn Carolie tập trung nhiều góc quay cận và các bộ phận nhạy cảm của Sue, đường cong, đôi môi quyến rũ, ánh mắt gợi tình… Các vũ đạo của cô nàng cũng phô bày tối đa tính gợi dục. Song, đây không phải yếu tố câu khách mà nhằm ẩn ý của nữ đạo diễn.
Thông qua Sue và Elizabeth, Carolie muốn nhấn mạnh sự thèm khát níu kéo tuổi thanh xuân của phái nữ. Nỗi sợ xấu xí trong mắt người khác của Elizabeth lớn đến mức cô sẵn sàng chịu đau đớn cùng cực chỉ để Sue có hào quang. Thậm chí khi tính mạng bị đe dọa, Elizabeth cũng không thể dừng lại và cũng không chấp nhận được ngoại hình hiện tại của bản thân khi tự so sánh với Sue. Rõ ràng, ngày càng nhiều phụ nữ, nhất là các diễn viên trên toàn thế giới tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ với đủ mọi rủi ro, nguy hiểm chỉ để xinh đẹp hay trẻ trung hơn độ tuổi.
Bên cạnh đó, những cảnh quay gợi dục của The Substance chính là sự ám chỉ việc đàn ông luôn tình dục hóa phụ nữ ở kinh đô điện ảnh. Ánh mắt của những nhà sản xuất nhìn Sue luôn chứa đựng sự biến thái, thèm khát. Những góc quay cận vào cơ thể Sue ngụ ý những gã đàn ông khi nhìn cô nàng cũng chỉ chăm chăm các bộ phận nhạy cảm ấy. Thực tế cho thấy nhiều bộ phim đang dùng nữ giới hay yếu tố 18+ để câu khách như cái cách mà Carolie phản ánh. Các nữ diễn viên phải mặc trang phục hở hang hết cỡ, vai trò chẳng có gì ngoài kéo khán giả nam đến rạp hay xem TV.
Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp như nữ thần ấy là sự ghê tởm đến ám ảnh. Ngay những phút đầu, The Substance đã khiến nhiều người phải che mặt bởi phân cảnh Sue chui ra từ “cái vỏ” Elizabeth. Khi một người đang hoạt động thì kẻ còn lại phải nằm bất động trong nhà vệ sinh bẩn thỉu. Những hình ảnh cơ thể bị tàn phá, vặn vẹo được thể hiện chân thật đến mức phải rùng mình. Dù chỉ ngồi xem thì nhiều người vẫn tưởng tượng được nỗi đau mà các nhân vật phải chịu đựng.
Yếu tố hóa trang của phim cũng rất ấn tượng, hình ảnh ngày càng già nua của Elizabeth hay sự mục ruỗng của Sue rất khủng khiếp. Những phân đoạn nấu nướng, ăn uống cũng được thể hiện rợn người hết mức có thể. Thậm chí, nhiều cảnh quay có thể khiến người xem phải quay mặt đi vì quá gớm ghiếc. Chính sự trần trụi của tuổi già, sự sống và cái chết khiến ta phải rùng mình và sợ hãi.
Diễn xuất ấn tượng của hai nữ diễn viên thuộc hai thế hệ
Nữ đạo diễn Coralie Fargeat quá xuất sắc khi chọn được Demi Moore và Margaret Qualley cho hai vai nữ chính. Có thể nói, Elizabeth và Sue cũng phần nào là con người của họ ở ngoài đời. Trong khi Demi Moore là minh tinh lớn của Hollywood vào thập niên 1990-2000, cô giờ đây đã qua thời kỳ đỉnh cao và dần không còn xuất hiện trên màn ảnh rộng. Trong khi đó, Margaret Qualley là cái tên mới nổi, xuất hiện trong 2-3 phim mỗi năm. Thậm chí năm 2019, cô nàng góp mặt trong tận sáu bộ phim.
Demi Moore cho thấy được một Elizabeth đau khổ vì tuổi già, phẫn nộ bởi sự phản bội của những nhà sản xuất, đồng nghiệp thân thiết suốt hàng chục năm. Nhân vật có sự đấu tranh nội tâm dữ dội, vừa sợ hãi vì Sue có thể cướp mất tính mạng của mình nhưng cũng sợ hãi phải trở lại cuộc sống già nua, không có ánh hào quang của Sue. Margaret Qualley lại cho thấy nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự quyến rũ qua các bài nhảy mạnh mẽ, ánh mặt, biểu cảm gợi tình. Hai nữ diễn viên như hai mặt của một đồng xu, vừa khác biệt nhưng vừa phụ thuộc lẫn nhau.
Chấm điểm: 4/5
The Substance có lấy một chủ đề không hề mới, từng được nhiều nền điện ảnh khai thác. Song, cách triển khai của đạo diễn Coralie lại vô cùng độc đáo và khác biệt. Những cảnh nóng hay kinh dị chỉ là cách nữ đạo diễn truyền tải các ý nghĩa ẩn dụ, cho thấy sự thật nghiệt ngã của tuổi già. Đây là thứ mà các đạo diễn Việt Nam nên học hỏi thay vì lo tìm kiếm những ý tưởng trên trời dưới biển hay thêm thắt quá lố mà quên mất một kịch bản lôi cuốn.
Theo Dạ Nguyệt (Phụ Nữ Mới)