Giới trẻ

'Choáng' khi Ngọc Trinh, Sơn Tùng, 'vợ người ta'... vào đề thi

Dịp thi học kỳ vừa qua, nhiều nơi tổ chức ra đề thi theo hướng “mở”, bắt “hot trend”… Tuy nhiên, một số đề thi gây tranh cãi bởi quá khó, một số hiện tượng, nhân vật được nhắc tới trong nội dung câu hỏi chưa phù hợp.

'Choáng' khi Ngọc Trinh, Sơn Tùng, 'vợ người ta'... vào đề thi
Đề thi tại các kỳ thi, kiểm tra một số nơi trong thời gian gần đây gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa: Q.Anh

Đề thi cũng đuổi theo "trend"

Một đề thi học kỳ I của Trường THCS Phú Xá (ở Thái Nguyên) vừa được chia sẻ trong một hội nhóm Facebook thu hút sự chú ý của nhiều người bởi sự xuất hiện của hiện tượng "1977 Vlog". Cụ thể, đề thi Hóa học có 2 câu hỏi liên quan đến "hiện tượng 1977 Vlog" như sau: "Giáo án lửa thiêng của ông giáo trong tác phẩm của 1977 Vlog được viết trên trang giấy trắng. Vậy chất khí để tẩy trắng trong quá trình sản xuất giấy là gì?..."; "Câu nói nổi tiếng cư dân mạng giới trẻ hiện nay "Hãy tôn trọng hàm răng" của Vlog 1977. Vậy trong thành phần của răng có kim loại nào?...".

Ngay sau khi hình ảnh về đề thi này xuất hiện trên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, người ra đề đã nắm bắt được "gu" của giới trẻ cũng như đưa được một hiện tượng đang rất hot trên mạng xã hội với những câu nói nổi tiếng cực kỳ theo "trend". Điều này giúp đề thi Hóa học trở nên đỡ khô khan, cứng nhắc. Hơn nữa, việc đưa "1977 Vlog" vào đề bài chỉ là cách dẫn chuyện cho câu hỏi chính, không làm ảnh hưởng gì đến nội dung chính đề thi. Tuy nhiên, không ít ý kiến phản đối cách ra đề này là chưa phù hợp.

Cũng liên quan đến đề thi, vừa qua, nhiều phụ huynh xôn xao về độ khó của đề thi và điểm thi học kỳ I môn Toán của học sinh lớp 9 quận Thanh Xuân (Hà Nội) có nhiều bài thi điểm dưới trung bình, phải thi lại môn này. Theo giải thích của lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, khoảng 3 nghìn học sinh lớp 9 của quận phải kiểm tra lại môn Toán vào ngày 17/12 vừa qua. Có khoảng 70% học sinh có điểm thi môn Toán dưới trung bình. Nguyên nhân là đề thi có những dạng câu hỏi mới với học sinh, có những câu yêu cầu quá dài so với thời gian làm bài khiến học sinh mất nhiều thời gian.

Ngày 20/12, UBND quận Thanh Xuân đã yêu cầu thanh tra toàn bộ quy trình, quá trình ra đề kiểm tra của Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân. Cụ thể, UBND Quận Thanh Xuân giao Chánh Thanh tra quận chủ trì, phối hợp với Trưởng phòng Nội vụ quận thanh tra toàn bộ quá trình ra đề kiểm tra học kỳ I môn Toán khối THCS.

Loạn đề thi "mở" môn Ngữ văn

'Choáng' khi Ngọc Trinh, Sơn Tùng, 'vợ người ta'... vào đề thi - 1
Đề thi học kỳ I của Trường THCS Phú Xá (Thái Nguyên) thu hút sự chú ý khi đề cập đến hiện tượng mạng xã hội "1977 Vlog".

Không chỉ tại Thái Nguyên hay Hà Nội mới có đề thi gây thu hút dư luận. Mới đây, đề thi môn Ngữ văn lớp 12 trong kỳ kiểm tra kết thúc học kỳ I năm 2019 - 2020 do Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng ra đề gây nhiều tranh cãi. Nội dung đề thi yêu cầu học sinh nhận định "Buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi". Đề thi yêu cầu học sinh phải nhận định, phân tích, đưa ra ý kiến về việc từ bỏ cũng là một sự lựa chọn. Đề thi này nhận được nhiều tranh luận, bởi nhiều ý kiến cho rằng, học sinh lớp 12 chưa có những trải nghiệm trong cuộc sống để đưa ra quyết định buông bỏ điều gì đó.

Không chỉ đưa hàng loạt các tên tuổi của showbiz Việt như: Ngọc Trinh, Sơn Tùng-MTP, Bà Tưng… Trong thời gian qua, "Hậu duệ mặt trời", "Vợ người ta" cũng được đưa vào đề thi. Gần đây nhất, đề kiểm tra kết thúc học kỳ I môn Ngữ văn lớp 10 Trường THPT Thủ Đức (TP HCM) đưa hiện tượng mạng xã hội Khá Bảnh bị bắt, thụ án 10 năm tù vào đề kiểm tra. Nhiều giáo viên cho rằng, sự sáng tạo vượt ra khỏi nhận thức ở lứa tuổi học sinh sẽ dễ dẫn đến "phản ứng ngược" trong giáo dục, nhất là nhân vật trong đề thi đều có hành động, phát ngôn phản cảm.

Cho rằng đề thi ra theo hướng "mở" phù hợp với điều kiện hiện nay, nhằm khơi gợi khả năng tự học của học sinh, NGƯT Đặng Đình Đại - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết, đề thi của kỳ thi THPT Quốc gia theo hướng mở, cập nhật thời sự nên hầu hết các trường khi ra đề kiểm tra cũng theo hướng này để giúp học sinh làm quen. Khi gặp các dạng đề thi có cập nhật nhân vật, hiện tượng hay vấn đề thời sự, học sinh cũng sẽ khá hào hứng, bởi ngay cả những học sinh khối khoa học tự nhiên cũng thích thú vì được "chém gió" trên giấy thi và ăn điểm.

"Đề thi, kiểm tra theo hướng "mở" là một tất yếu trong kích thích khả năng tư duy, sáng tạo đối với học trò, thay dần cách dạy và học một cách thụ động như trước đây. Song đề ra cũng phải phù hợp với tính chất của kỳ thi, khả năng của thí sinh. Nếu là thi cuối kỳ, không cần phải khó, nhưng thi chọn học sinh giỏi là yêu cầu năng lực riêng của thí sinh. Đề ra cũng phải bám sát với khả năng học, vận dụng kiến thức của học sinh, tôn trọng những góc nhìn riêng để cho điểm phù hợp", NGƯT Đặng Đình Đại chia sẻ thêm.

Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong học năm học 2019 - 2020 của Bộ GD&ĐT có nêu rõ, các nhà trường thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra 1 tiết, cuối học kì, cuối năm học theo ma trận và viết câu hỏi phục vụ ma trận đề. Đề kiểm tra kết hợp một cách hợp lí giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra. Tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/giao-duc/choang-khi-ngoc-trinh-son-tung-vo-nguoi-ta-vao-de-thi-20191230191129203.htm